Chặn ung thư bằng cách cắt bỏ buồng trứng như Angelina Jolie
Angelina Jolie Pitt vừa phẫu thuật cắt buồng trứng và ống dẫn trứng để ngừa ung thư. Theo các bác sĩ, đây là lựa chọn dũng cảm và thông minh nhưng không phù hợp với mọi phụ nữ.
Hai năm trước, Jolie Pitt từng chọn cắt bỏ hai bên vú sau khi biết mình có đột biến trong gene BRCA1 - loại gene sản xuất protein nhằm ức chế tế bào gây ung thư. Chức năng của các protein này là phục hồi các tế bào bị phá hủy ADN, đóng vai trò trong sự duy trì ổn định các vật chất di truyền của tế bào.
"Khi một người có đột biến gây hại ở gene này, nó không còn cho phép tế bào tự sửa chữa và sau đó dẫn đến tình trạng các tế bào có nguy cơ gia tăng khả năng mắc ung thư", tiến sĩ Marleen Meyers, giám đốc Chương trình Survivorship tại Trung tâm ung thư Perlmutter, Đại học New York - người không liên quan đến việc chăm sóc y tế cho Jolie Pitt, cho biết.
Ung thư vú và ung thư buồng trứng khá thường gặp ở những phụ nữ có đột biến gen BRCA1. Khoảng 12% chị em trong tổng dân số mắc ung thư vú nhưng có tới 65% phụ nữ có biến đổi gene BRCA1 có thể bị bệnh này trước tuổi 70, theo Viện ung thư quốc gia Mỹ.
Cũng vậy, khoảng 1,4% phụ nữ trong tổng dân số có thể mắc ung thư buồng trứng nhưng có tới 39% chị em có đột biến gene BRCA1 có thể đối mặt nguy cơ này ở trước tuổi 70.
Hơn nữa, mẹ Jolie Pitt từng chết vì ung thư vú ở tuổi 56 và dì của nữ minh tinh này cùng bà ngoại cô cũng chết do ung thư. Tất cả cho thấy cô có tiền sử gia đình mắc ung thư. Và Jolie đã ý thức được nguy cơ này. Sau khi phẫu thuật cắt vú, cô tiếp tục khám tầm soát ung thư buồng trứng. Cô thực hiện xét nghiệm máu xác định mức độ CA-125 - một loại protein trong máu, thường có khuynh hướng tăng lên ở những phụ nữ mắc ung thư buồng trứng. "Tuy nhiên xét nghiệm này không mấy đặc hiệu và không có ý nghĩa nhiều lắm trong việc phát hiện sớm ung thư buồng trứng", tiến sĩ Meyers nói với Live Science.
"Đó không phải là một công cụ tầm soát tốt. Tôi đánh giá cao việc cô ấy đã làm xét nghiệm này nhưng nó nên được dùng khi một người đã mắc ung thư buồng trứng và cần điều trị hơn là để chẩn đoán sớm", bác sĩ nói.
Tuy nhiên, cùng với xét nghiệm CA-125, các bác sĩ của Jolie Pitt đã tiến hành sàng lọc nồng độ các tế bào và protein dễ viêm nhiễm khác cho cô. Kết quả nâng khả năng phát hiện dấu hiệu ung thư sớm lên cao hơn. Sau một loạt các chẩn đoán hình ảnh, bao gồm chụp CT, PET và xét nghệm khối u, Jolie Pitt biết rằng cô không bị ung thư. Cô cũng nhận ra, bệnh này vẫn có thể phát triển bất cứ lúc nào. Các bác sĩ đã tư vấn rằng quyết định cắt bỏ buồng trứng và ống dẫn trứng là một lựa chọn tốt cho cô.
Theo các bác sĩ, dù đã cắt bỏ hai bên vú và buồng trứng, ống dẫn trứng, Jolie Pitt vẫn có nguy cơ mắc ung thư. Sự đột biến gene ở cô có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác như ung thư đại tràng, u ác tính.
"Jolie Pitt đã vô cùng dũng cảm khi chia sẻ những trải nghiệm của mình. Tôi nghĩ đó là một tư thế chủ động trước bệnh tật. Nó cũng giúp người ta chú ý hơn tới quá trình mãn kinh - điều mà Jolie Pitt sẽ trải qua ngay khi buồng trứng không còn", Meyers nói.
Năm 2013, sau khi Jolie Pitt thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú để ngừa ung thư, có một làn sóng phụ nữ đã dấy lên hành động này. Những phụ nữ có đột biến gene BRCA1 có thể cân nhắc đến việc cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng như Jolie Pitt đã làm. Tuy nhiên bác sĩ Meyers khuyên chị em cũng cần thận trọng bởi phẫu thuật có thể mang tới các nguy cơ biến chứng và nhiễm trùng cho họ.
Các chuyên gia cho rằng quyết định phẫu thuật để ngăn ngừa ung thư không phù hợp với mọi người.
"Mỗi cách điều trị phụ thuộc vào từng cá nhân", tiến sĩ Nathalie McKenzie, bác sĩ chuyên về sản phụ khoa tại đơn vị chuyên về ung thư UF, Trung tâm y tế Orlando tại Florida, nói.
Những phụ nữ nên phẫu thuật cắt buồng trứng ngừa ung thư là người có nguy cơ cao mắc căn bệnh này do có đột biến trong gene BRCA và có tiền sử gia đình mắc bệnh, như trường hợp Jolie Pitt. Độ tuổi cũng đóng vai trò quan trọng. Theo một số nghiên cứu, lợi ích lớn nhất có thể thấy ở những phụ nữ thực hiện phẫu thuật là ở nhóm tuổi 35-40 (Jolie Pitt 39 tuổi).
Việc chị em còn muốn sinh con hay không cũng là một yếu tố cần tính đến vì cắt bỏ buồng trứng đồng nghĩa với việc phụ nữ không còn có con được nữa. Vì vậy những ai còn muốn sinh đẻ nên chọn cách trì hoãn phẫu thuật, theo MacKenzie.
Một tác dụng phụ khác cần lưu ý là cắt buồng trứng có thể khiến họ mãn kinh sớm hơn bình thường khoảng 10-20 năm.
Theo một bài báo đăng năm 2009, mãn kinh sớm liên quan tới tăng nguy cơ mắc bệnh tim, vấn đề về thần kinh, loãng xương và thậm chí tử vong sớm. Dùng hormone estrogen thay thế sau khi cắt bỏ buồng trứng - điều mà Jolie đang làm - có thể giảm một số nguy cơ nhưng không phải tất cả.
Liệu pháp thay thế hormone bản thân nó có liên quan tới việc tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy quyết định dùng hormone thay thế sau phẫu thuật cắt buồng trứng có thể còn phụ thuộc vào việc người phụ nữ đó liệu có thể mắc ung thư vú không. Phụ nữ thường phát hiện mang đột biến gene BRCA sau khi được chẩn đoán ung thư vú.
Theo bác sĩ McKenzie, trong số những bệnh nhân bà từng điều trị - người có nguy cơ ung thư buồng trứng vì có đột biến BRCA, hầu hết đều chọn phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Với những người không muốn mổ hay muốn trì hoãn phẫu thuật, vẫn có các lựa chọn khác bao gồm sàng lọc ung thư buồng trứng 1-2 năm một lần, bằng cả xét nghiệm máu và siêu âm.
Một số nghiên cứu cho thấy sử dụng thuốc tránh thai có thể giảm nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ có đột biến BRA, bác sĩ McKenzie nói.
Vương Linh (Theo Livescience.com)
Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam phối hợp mở chuyên mục “Ung thư” từ ngày 1/9/2019. Đây là nơi cung cấp cho độc giả kiến thức về ung thư từ cách nhận biết bệnh, phòng tránh, đến chăm sóc dinh dưỡng, cách tập luyện… Bệnh nhân cũng có thể chia sẻ lại câu chuyện của mình: khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, sự động viên và hỗ trợ đến từ người thân trong gia đình hay một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian biểu vận động hàng ngày... tại đây. Chuyên mục có sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các loại ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin, đọc giả hãy truy cập website https://genkstf.vn và https://ksol.vn; nếu cần hỗ trợ, tư vấn thêm về vấn đề ung thư, bạn đọc có thể gọi vào số tổng đài miễn cước 18006808 (trong giờ hành chính) hoặc 0962686808 (hotline - ngoài giờ hành chính), email: tuvan@ghv.com.vn.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN UNG THƯ
Gửi câu hỏi tư vấn
Nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.
Chuyên gia cố vấn mục hỏi đáp
* Vui lòng điền chính xác số điện thoại và email để nhận được câu trả lời và tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia
Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời
(*) Đây là cuộc thi viết về nghị lực bệnh nhân ung thư, độc giả có thể truy cập để gửi bài dự thi