Cẩm nang sinh con an toàn cho người bị ung thư
Ngưng điều trị từ sáu tháng đến hai năm tùy thuộc vào bộ phận bị ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi... thì bạn có thể mang thai.
Người mắc bệnh ung thư ngày càng nhiều trong đó không ít bệnh nhân trẻ vẫn mong muốn có con sau khi điều trị. Để sinh con thành công và an toàn cho cả mẹ lẫn con, bạn nên hiểu kỹ tình trạng sức khỏe của mình.
Khi nào nên có thai sau điều trị?
Quyết định thụ thai nên được chủ động tính trước. Thông thường sau khi ngưng điều trị từ sáu tháng đến hai năm bệnh nhân có thể mang thai. Thời gian này tùy thuộc vào bộ phận bị ung thư, giai đoạn bệnh, tuổi, tình trạng kinh nguyệt sau điều trị, phương pháp điều trị trước đó... Người bị ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng… nên đợi thời gian lâu hơn sau điều trị để có bầu, so với người bị ung thư vùng đầu cổ hay phổi.
Khi đang điều trị ung thư, bệnh nhân nên chủ động ngừa thai. Không chỉ phụ nữ mà cả nam giới cũng nên chủ động ngừa thai do nhiều thuốc hóa trị ảnh hưởng đến tinh trùng. Nếu có thai khi đang điều trị, bệnh nhân phải báo với bác sĩ để bàn cách xử trí tốt nhất.
Các phương pháp điều trị ung thư có ảnh hưởng đến thai nhi?
Câu trả lời là có thể. Tuy nhiên hiện chưa có nghiên cứu xác định mức độ ảnh hưởng cụ thể. Phần lớn thuốc trị ung thư là các thuốc gây độc cho tế bào nên về lý thuyết có thể gây hại cho thai nhi, hoặc xạ trị trực tiếp vào vùng chậu có thể gây viêm dính tử cung, biến đổi buồng trứng.
Một số nghiên cứu ghi nhận tình trạng thai nhi và em bé sau sinh vẫn không khác đáng kể so với các bé được sinh từ mẹ khỏe mạnh. Tỷ lệ sinh non và nhẹ cân tăng nhẹ trong nhóm trẻ có mẹ bị ung thư nhưng điều này không ảnh hưởng đến sự phát triển của bé về sau.
Các thuốc mới như điều trị nhắm trúng đích hoặc liệu pháp miễn dịch ảnh hưởng ra sao lên thai nhi vẫn chưa được nghiên cứu chi tiết. Các chuyên gia khuyên nên tránh dùng các thuốc này trong suốt thời gian mang thai hoặc ít nhất là trong ba tháng đầu thai kỳ.
Thai kỳ có ảnh hưởng xấu đến bệnh ung thư?
Các nghiên cứu cho thấy thai kỳ không làm nặng thêm tình trạng bệnh ung thư, nếu có là do việc trì hoãn điều trị trong giai đoạn có thai.
Cha bị ung thư có thể có con được không?
Các phương pháp điều trị ung thư đều có thể ảnh hưởng đến khả năng có con của người đàn ông bao gồm tác động trực tiếp đến tinh trùng, giảm số lượng tinh trùng và tinh dịch. Tuy nhiên ảnh hưởng đến mức nào hiện vẫn chưa được làm rõ, tùy thuộc vào loại ung thư, độ tuổi của bệnh nhân… Do đó bệnh nhân được khuyên nên để có con ít nhất sáu tháng sau ngưng điều trị hoặc dùng các cách phức tạp hơn như trữ lạnh tinh trùng…
Bệnh nhân ung thư khi mang thai có cần theo dõi đặc biệt?
Hiện chưa có hướng dẫn chế độ theo dõi đặc biệt dành cho thai kỳ của những người mẹ bị ung thư. Cơ bản vẫn là theo dõi định kỳ theo lịch phối hợp của bác sĩ sản khoa và bác sĩ ung thư. Trong đó lưu ý những tác dụng phụ do hóa trị như hạ máu (hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu), nhiễm trùng, suy tim… có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
Tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn, thể trạng bệnh nhân và tuổi thai, bác sĩ ung thư phải phối hợp kỹ với bác sĩ sản khoa để chọn cách tốt nhất cho bệnh nhân. Nếu được nên bắt đầu điều trị bệnh ung thư khi bệnh nhân đã sinh xong. Phẫu thuật khối u nói chung vẫn an toàn khi mang thai, nhất là tiến hành trong ba tháng giữa thai kỳ. Hóa trị vẫn có thể tiến hành miễn là theo dõi sát và xử lý các biến chứng do thuốc.
Các tiến bộ trong lĩnh vực điều trị vô sinh như trữ phôi, trứng hoặc tinh trùng... và sử dụng về sau khi bệnh ung thư ổn định, giúp ích một số ít bệnh nhân. Tuy nhiên các phương pháp này phải được tính trước và việc thực hiện khá phức tạp.
Sau sinh bệnh nhân có thể cho con bú, tuy nhiên phải tham khảo ý kiến của bác sĩ ung thư về các thuốc đặc trị đang sử dụng.
Bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ
Trưởng Khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức
Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam phối hợp mở chuyên mục “Ung thư” từ ngày 1/9/2019. Đây là nơi cung cấp cho độc giả kiến thức về ung thư từ cách nhận biết bệnh, phòng tránh, đến chăm sóc dinh dưỡng, cách tập luyện… Bệnh nhân cũng có thể chia sẻ lại câu chuyện của mình: khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, sự động viên và hỗ trợ đến từ người thân trong gia đình hay một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian biểu vận động hàng ngày... tại đây. Chuyên mục có sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các loại ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin, đọc giả hãy truy cập website https://genkstf.vn và https://ksol.vn; nếu cần hỗ trợ, tư vấn thêm về vấn đề ung thư, bạn đọc có thể gọi vào số tổng đài miễn cước 18006808 (trong giờ hành chính) hoặc 0962686808 (hotline - ngoài giờ hành chính), email: tuvan@ghv.com.vn.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN UNG THƯ
Gửi câu hỏi tư vấn
Nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.
Chuyên gia cố vấn mục hỏi đáp
* Vui lòng điền chính xác số điện thoại và email để nhận được câu trả lời và tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia
Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời
(*) Đây là cuộc thi viết về nghị lực bệnh nhân ung thư, độc giả có thể truy cập để gửi bài dự thi