Bác sĩ từ chối chữa cho bệnh nhân xúc phạm nhân viên y tế
Nữ bệnh nhân trong khi chờ tái khám đã la hét nhân viên y tế khiến bác sĩ Ang Peng Tiam quyết định không tiếp tục điều trị cho bà.
Bác sĩ Ang Peng Tiam hiện là Giám đốc Trung tâm Ung thư Parkway (Singapore), từng nhận giải thưởng khoa học quốc gia Singapore cho những đóng góp trong nghiên cứu y học. Ông chia sẻ với VnExpress.net nỗi băn khoăn khi từ chối tiếp tục điều trị cho một bệnh nhân ung thư: "Khi quyết định không chăm sóc cho bà ấy nữa, đến nay tôi vẫn tự hỏi liệu mình có đúng không". |
Đó là một ngày trước dịp Quốc tế Lao động 1/5, phòng khám chật cứng, lịch thông báo tuần làm việc được rút ngắn bởi các ngày nghỉ lễ. Còn nhiều bệnh nhân đang hóa trị đã được xếp lịch tái khám từ trước, thế là chúng tôi phải dồn toàn bộ họ vào các ngày làm việc trong tuần đó.
Tuần lễ ấy trở nên tồi tệ hơn bình thường bởi có nhiều bệnh nhân phải xếp hàng chờ đợi mòn mỏi. Tôi đi qua hành lang rồi vào thẳng phòng khám như mọi lần, không bị phân tâm hay giục giã bởi đám đông. Hầu hết bệnh nhân đến đây đã quen với việc phải chờ đợi. Thỉnh thoảng, tôi dành chút thời gian giải thích cho họ hiểu về tầm quan trọng của việc bác sĩ phải dành nhiều hoặc ít thời gian cho mỗi bệnh nhân: Phụ thuộc vào độ phức tạp của ca bệnh và nhu cầu người bệnh.
Hầu hết bệnh nhân ở đây chỉ mất khoảng năm phút vào gặp bác sĩ vì họ đến theo lịch tái khám và mọi thứ đều tốt. Những bệnh nhân mới có thể cần trao đổi lên tới cả tiếng đồng hồ bởi họ có nhiều vấn đề cần được hiểu rõ.
Vào ngày đó, tôi nghĩ mọi việc đang trôi chảy êm đẹp. Hầu hết ca tư vấn đơn giản và không có vấn đề hay khủng hoảng gì lớn.
Sự tĩnh lặng trong phòng làm việc của tôi bị phá vỡ bởi tiếng la hét lớn ở ngoài phòng chờ. Một bệnh nhân ở độ tuổi 60, người tôi gọi là bà Dewi (không phải tên thật của bà ấy) đang gào thét ở quầy lễ tân. Trong 18 năm làm nghề, từ trước tới nay tôi chưa bao giờ nghe thấy âm thanh chói tai như vậy ở phòng khám này. Nhân viên rối trí chạy vào phòng tôi và nói rằng bà Dewi không hài lòng vì phải chờ đợi lâu.
Tôi gặp bà Dewi lần đầu cách đây chín tuần. Bà thấy khó chịu vùng bụng, được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn bốn. Kết quả chụp PET-CT cho thấy bệnh nhân bị dày thành dạ dày, di căn hạch ổ bụng và gần nửa lá gan.
Bệnh của Dewi không thể chữa khỏi, nhưng có thể điều trị được. Lúc đầu bà ấy còn miễn cưỡng nhưng sau một cuộc thảo luận dài với bác sĩ, nữ bệnh nhân đã quyết định điều trị. Kết quả hóa trị lần một rất tốt. Tuy nhiên, Dewi không hài lòng sau chu kỳ thứ hai bởi bà cảm thấy y tá phớt lờ những lo lắng của mình. Bà bảo cảm thấy lạnh cánh tay trong khi truyền dịch qua tĩnh mạch, chân trái cũng bị đau rất khó chịu. Người phụ nữ luôn miệng đổ lỗi cho y tá chăm sóc không tốt.
Khi khám chân bà ấy, tôi thấy chân trái hơi sưng to hơn chân phải một chút. Tôi giải thích với Dewi rằng có một cục máu đông ở tĩnh mạch sâu. Tình trạng này được miêu tả là “hội chứng hạng phổ thông” vì thường xảy ra ở những hành khách không di chuyển chân trong thời gian dài ngồi trên máy bay. Máu lưu thông chậm dẫn tới hình thành cục máu đông ở chân.
Đối với bệnh nhân ung thư, cục máu đông ở tĩnh mạch sâu có thể hình thành bởi ung thư làm cho máu kết dính hơn, đây chính là nguyên nhân tạo thành các cục máu đông. Cục huyết khối này có thể chạy tới tim hoặc gây nghẽn mạch phổi (PE) khiến người bệnh khó thở, khó chịu vùng ngực, thậm chí đột tử giống như một cơn đau tim dữ dội.
Chúng tôi đã làm siêu âm Doppler chân cho Dewi và đúng là có cục máu đông ở tĩnh mạch sâu. Tôi cho bệnh nhân tiêm thuốc làm loãng máu để giảm bớt tình trạng kết dính. Hôm sau, bà ấy đã cảm thấy khỏe hơn. Tôi đã giải thích rõ với Dewi rằng cục máu đông ở tĩnh mạch sâu không phải do y tá hay truyền thuốc gây ra.
Tôi khuyên bệnh nhân cần đặt bộ lọc ở tĩnh mạch ổ bụng, còn gọi là tĩnh mạch chủ dưới, để ngăn các cục máu đông chạy tới tim. Bà ấy đồng ý làm thủ thuật nhưng muốn làm ở quê nhà Indonesia.
Khi Dewi quay lại để truyền thuốc chu kỳ thứ ba, tôi rất sốc khi bà ấy không đặt bộ lọc ở tĩnh mạch chủ dưới và tiêm thuốc kháng đông như đã hứa. Tôi đã dành nhiều thời gian để giải thích cho bà ấy sự nguy hiểm của cục máu đông ở tĩnh mạch sâu. Cuối cùng, bà ấy đã chịu làm thủ thuật đặt bộ lọc ở Singapore. Mọi thứ sau đó rất tốt đẹp.
Vào ngày cơn thịnh nộ của Dewi bùng phát, bà đã được xếp lịch để gặp bác sĩ đọc kết quả chụp PET-CT. Vừa nghe thấy tiếng la hét của bà ở quầy lễ tân, tôi lập tức gọi Dewi vào phòng.
Trước khi Dewi vào, tôi đã nhanh chóng xem lại quá trình điều trị và kết quả PET-CT. Mặc dù Dewi la hét bên ngoài nhưng bà bước vào phòng tôi với một nụ cười tươi và lời chào thân thiện. Tôi chỉ cho Dewi hình ảnh chụp PET-CT và giải thích rằng bà ấy đã đáp ứng rất tốt với hóa trị. Hầu hết tổn thương ung thư đã biến mất.
Tôi rất mừng về kết quả, nhưng cũng thấy thất vọng về cách đối xử của Dewi với y tá. Tôi đã giải thích với nữ bệnh nhân rằng cách đối xử của bà trong khu vực chờ là không thể chấp nhận được. Tôi đã chuẩn bị báo cáo y khoa mô tả chi tiết quá trình điều trị cho Dewi, song rất tiếc tôi không thể tiếp tục chăm sóc cho bà thêm nữa.
Thú thật, khi suy nghĩ về quyết định không chăm sóc cho người phụ nữ ấy nữa, tôi đã dằn vặt tự hỏi hành động mình có đúng không. Cho tới ngày hôm nay, tôi cũng không chắc.
Một phần trong tôi tự nhủ bản thân nên thực hiện nhiệm vụ của mình như một người thầy thuốc với tấm lòng bao dung độ lượng. Phần khác lại bao biện rằng một khi mối quan hệ đặc biệt giữa bệnh nhân và bác sĩ đã bị phá vỡ thì tốt hơn hết nên "chia tay".
Vợ tôi cũng nhắc tôi nên xem lại bản thân đã cư xử như thế nào. Lúc ấy tôi chợt nhớ đến một thông điệp của ông Lim Swee Say, Tổng thư ký Công đoàn quốc gia Singapore: “Chúng ta phải phấn đấu trở thành quốc gia của những khách hàng tốt hơn và những người tốt hơn”.
Thật vậy, cư xử tốt với nhau là nghệ thuật đối ứng bình thường trong xã hội. Nhưng tôi luôn tự hỏi sự chăm sóc của bác sĩ với bệnh nhân có nên vô điều kiện? Từ lâu tôi đã nói với bản thân rằng một phần của chăm sóc y tế là khả năng chịu được bất kỳ gánh nặng cảm xúc hoặc vấn đề nào mà bệnh nhân trút lên mình. Vậy phải chăng tôi phải chịu đựng cả cách ứng xử kém của Dewi với các y tá, thậm chí thái độ "quá khích" của bà ấy có thể tiềm ẩn nguy hiểm cho các bệnh nhân khác?
Tôi đã tự hỏi rồi tự trả lời cho mình một cách vội vã trong ngày Quốc tế Lao động năm ấy. Đây cũng là một trong những điều tôi tiếp tục suy ngẫm cho đến hôm nay.
Bác sĩ Ang Peng Tiam
Báo điện tử VnExpress và Công ty Cổ phần Dược phẩm GoldHealth Việt Nam phối hợp mở chuyên mục “Ung thư” từ ngày 1/9/2019. Đây là nơi cung cấp cho độc giả kiến thức về ung thư từ cách nhận biết bệnh, phòng tránh, đến chăm sóc dinh dưỡng, cách tập luyện… Bệnh nhân cũng có thể chia sẻ lại câu chuyện của mình: khó khăn gặp phải trong quá trình điều trị, sự động viên và hỗ trợ đến từ người thân trong gia đình hay một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thời gian biểu vận động hàng ngày... tại đây. Chuyên mục có sự đồng hành của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về các loại ung thư. Để tìm hiểu thêm thông tin, đọc giả hãy truy cập website https://genkstf.vn và https://ksol.vn; nếu cần hỗ trợ, tư vấn thêm về vấn đề ung thư, bạn đọc có thể gọi vào số tổng đài miễn cước 18006808 (trong giờ hành chính) hoặc 0962686808 (hotline - ngoài giờ hành chính), email: tuvan@ghv.com.vn.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN UNG THƯ
Gửi câu hỏi tư vấn
Nguyên Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam.
Chuyên gia cố vấn mục hỏi đáp
* Vui lòng điền chính xác số điện thoại và email để nhận được câu trả lời và tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia
Sống như những đóa hoa, vươn về phía mặt trời
(*) Đây là cuộc thi viết về nghị lực bệnh nhân ung thư, độc giả có thể truy cập để gửi bài dự thi