Đọc bài viết Những cha mẹ 'đầu tư' phi thực tế vào con cái, tôi thấy thực tế có những đứa trẻ đang sa vào "học thêm học nếm" thì chỉ tổ mất thời gian, ít có cơ hội cọ xát ngoài đời.
Đơn cử như tiếng Anh, sống ở Việt Nam đâu cần IELTS quá 7.0. Tôi quen cả mớ bạn học tiến sĩ ở Mỹ mà sau 18 tuổi họ mới học tiếng Anh, sang Mỹ làm nghiên cứu vẫn bình thường. Trong khi đó, nhiều người tốn rất nhiều tiền học các khoá tiếng Anh năm này qua tháng nọ, rất lãng phí.
Sách vở, trường lớp xịn cũng chỉ dạy được 30% kiến thức cần thôi, còn 60-70% còn lại phải tự học ở trường đời. Những đứa trẻ được đi học thêm thì có vẻ là biết nhiều, tiếp thu nhanh nhưng khi ra đời lại chậm chạp, thiếu linh động.
Trong khi đó, những kỹ năng sống khác cần được chú trọng hơn. Thử hỏi những bạn trẻ lứa tuổi 2000 trở đi có tự giác nấu ăn, chợ búa, tự đi học, tự làm việc nhà khi bố mẹ đi vắng một tuần? Rồi kỹ năng quản lý đồng tiền, tránh xa những cạm bẫy, liệu chúng có được dạy khi ở trường lớp?
Tôi là người sõi tiếng Anh và tôi nhận thấy nếu không luyện tập thường xuyên thì sẽ quên ngay. Các ngoại ngữ khác nói chung cũng như thế. Đơn cử bạn giỏi tiếng Trung thời đại học nhưng sau này đi làm không hề đụng tới, cũng chả làm gì sang nước họ thì bạn sẽ quên gần hết sau một năm.
Richer
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.