Ở Việt Nam, tôi thấy rõ một điều: với nhiều gia đình, giáo dục cũng là một dạng "đầu tư" (nghĩa là các bậc phụ huynh bỏ ra của cải, tiền bạc, đầu tư vào việc học của con em mình, song song với đó là niềm hy vọng lớn lao về những "lợi nhuận" thu được từ "công cuộc" đầu tư này).
Thật ra, tôi thấy rằng ý nghĩa ban đầu của việc đầu tư này là chính đáng, không có gì sai (ai cũng muốn con em mình được học tập trong những môi trường tốt nhất, sau này lớn lên sẽ thành công và thành nhân), có chăng là "cách thức" đầu tư chưa đúng. Chẳng hạn như:
- Nhiều phụ huynh bỏ hàng đống tiền cho con em mình tham dự các khóa học kỹ năng sống, nhưng lại "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" khi ở nhà, ở ngoài xã hội.
- Nhiều phụ huynh sẵn sàng "chịu chi" cho con em mình học trường "xịn", nhưng lại phó thác hoàn toàn việc học của con em mình cho nhà trường, cho thầy cô.
- Nhiều phụ huynh sẵn sàng "chịu chi, thậm chí "vay nợ" cho con em mình được đi du học, nhưng lại quên mất việc nói cho chúng biết bố mẹ chúng phải khổ cực ra sao để có tiền cho chúng đi học như thế.
- Tất cả chúng ta đều hiểu rằng để có một điều gì đó tử tế, tốt đẹp, thì luôn phải đánh đổi (đó là "thực tế") nhưng lại luôn hướng con em mình theo con đường "phi thực tế": không phải đánh đổi gì, vẫn có thể có được điều tử tế.
Chúng ta đầu tư vào "thực tế" bằng những hành động "phi thực tế" như vậy, thì làm sao có thể mong đợi những "lợi nhuận" thực tế?
Duy Khang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.