Hàng ngày, nhiều từ chúng ta đang nói có gốc là tiếng Hán (thí dụ: quỹ đạo, y phục...), tiếng Pháp (thí dụ: xà phòng, nhà ga ..)...
Vì vậy, hiện tượng "chêm" tiếng nước ngoài như tiếng Anh trong khi nói chuyện là điều có thể thông cảm được, đặc biệt với những người cùng ngành nghề, hoặc câu chuyện đang nói về một lĩnh vực chuyên môn.
Tuy không phải dân IT, nhưng tôi đồng ý rằng nhiều từ chuyên môn tiếng Anh nếu dịch sang tiếng Việt có thể còn khó hiểu hơn, như folder, icon, setting... Nhưng nói như thế không có nghĩa là tùy tiện, "chêm" tiếng Anh một cách vô lối, hoặc thiếu quan tâm đến đối tượng mà ta đang nói chuyện. Những gì tiếng Việt diễn tả được, chính xác, dễ hiểu, thông dụng, thì đừng nên dùng tiếng nước ngoài, thí dụ nên dùng đặt vé thay cho book vé.
Ngoài ra, tôi nghĩ chúng ta nên dùng các cách diễn đạt thuần Việt mà mọi người quen dùng. Đừng dùng cách diễn đạt của tiếng Anh thay cho tiếng Việt, nhiều trường hợp sẽ thấy không ổn. Ví dụ, tại sao không nói: "Ông A, giáo sư Vật lý, trường ĐH Bách khoa Hà Nội", mà lại nói "Ông A, giáo sư Vật lý, đến từ trường ĐH Bách khoa Hà Nội".
>> Nói 'chêm' tiếng Anh vì không có từ tiếng Việt tương ứng?
Thêm nữa, những từ nào tiếng Việt đã dùng thông dụng, đủ hiểu chính xác, thì đừng tùy tiện thay thế bằng một từ khác ít thông dụng hơn, thậm chí khó hiểu hơn. Thí dụ, tại sao không nói tiếp nhận (hoặc thu nhận) bệnh nhân F0, mà lại phải nói là thu dung bệnh nhân F0, nghe vừa lạ, vừa khó hiểu?
Còn nữa, trong việc phiên âm, nên ưu tiên sử dụng các từ đã quen thuộc, đã gần như được "Việt hóa". Thí dụ, nên dùng từ Nhật thay cho Japan, Bồ Đào Nha thay cho Portugal, Bắc Kinh thay cho Beijing.
Tóm lại, cũng do cái tâm của người dùng đối với tiếng Việt mà đẻ ra các hiện tượng trên. Những người của công chúng càng nên chú ý đến vấn đề này, để dẫn dắt, để hướng người đọc, người nghe của mình thêm yêu quý và biết dùng chuẩn tiếng Việt.
Tường Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.