Tại sao có người nói "internet", có người nói là "mạng", có người nói là "big data", có người lại nói là "dữ liệu lớn", có người nói là "book vé" có người nói là "đặt vé"... Tại sao cùng sử dụng một loại ngôn ngữ mà lại có sự khác biệt nhưng chung một ý nghĩa như vậy?
1. Ngôn ngữ biểu âm và ngôn ngữ biểu ý
Biểu âm và biểu ý là hai dạng chữ viết văn bản, trong khi chúng ta đang nói tới là tiếng nói, thì tại sao lại bàn về chữ viết? Chữ viết là công cụ cung cấp cho việc lưu trữ lại thông tin lời nói. Nó là thước đo đảm bảo sự chính xác, khác biệt để nhận diện ngôn ngữ đó có tính biểu âm hay biểu ý.
Từ đó xác định tính chất của loại ngôn ngữ nói đó là đang ưu tiên sử dụng âm để lưu trữ, truyền đạt hay ưu tiên ý nghĩa. Ở đó sẽ xác định được ngôn ngữ đó có thể nói tiếng nước ngoài chèn vào hay phải dịch ý nghĩa ra.
>> Nói 'chêm' tiếng Anh vì không có từ tiếng Việt tương ứng?
- Chữ biểu âm, còn gọi văn tự biểu âm, là hệ thống chữ viết mà trong đó, mỗi một ký hiệu văn tự tương ứng với một âm vị (đơn vị âm thanh nhỏ nhất của một ngôn ngữ) hay một âm tiết (âm thanh tạo thành từ một hoặc nhiều âm vị). Những hệ thống chữ viết tiêu biểu cho chữ biểu âm gồm có chữ Latin, chữ Kirin, chữ Ả Rập, chữ Devanagari, Kana (hiragana và katakana) của tiếng Nhật, Hangul của tiếng Triều Tiên.
- Chữ biểu ý. Trong khi đó, chữ tượng hình Ai Cập, chữ Hán, chữ Nôm, chữ Maya lại đại diện cho hệ thống chữ viết đối lập với chữ biểu âm là văn tự ngữ tố với khả năng biểu nghĩa. Những ai có tìm hiểu, hay học qua tiếng Quảng Đông của Trung Quốc hay học chữ Hán sẽ biết rằng sự trùng âm, lặp âm là thường xuyên diễn ra do không đi vào phân tích âm làm không có thước đo chuẩn xác cho các âm thanh.
Điều này tạo ra hệ thống giọng địa phương là các biến thể khác biệt với giọng phổ thông. Làm cho Trung Quốc có rất nhiều giọng địa phương khác hẳn như Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang... Thậm chí người Nhật cũng sử dụng chữ Kanji như người Trung Quốc nhưng tiếng Nhật khác hoàn toàn tiếng Trung.
2. Trước đây tiếng Việt sử dụng hệ thống ngôn ngữ chữ viết biểu ý là chữ Hán (Nho) và chữ Nôm. Lúc này hệ thống ngôn ngữ, tiếng nói của ta thuộc dạng biểu ý. Tức là để lưu trữ các thông tin phải dựa vào ý nghĩa chữ không phải lưu trữ âm thanh. Nguyên do là chữ Nôm, và chữ Hán không có tách biệt thành các âm vị nhỏ lẻ, không cung cấp được sự khác biệt giữa các âm đủ nhiều. Điều này tạo ra sự đồng âm, trùng âm.
Các bạn thấy rõ nhất là các từ Hán Việt có từ đồng âm rất nhiều. Ví dụ: tử (có nghĩa là chết, cũng đồng âm với từ tử có nghĩa là con)... Hệ thống biểu ý không cung cấp công cụ phân tách âm thanh, không tạo ra các chuẩn mực cho việc lưu trữ thông tin, do đó tạo ra rất nhiều cách nói địa phương tuy cùng một cách ghi, cùng một chữ viết.
Điều này khiến cho chúng ta thời kì này không thể có công cụ để chuẩn hóa âm thanh mà sẽ tiến hành mượn từ nước ngoài theo phương pháp phiên ý của hệ thống biểu ý. Một loạt các từ mượn được hình thành theo phương pháp biểu ý gồm 60% từ từ Tiếng Hán như: y phục, tử, bình quân, trung...
Ngoài ra các tên gọi, danh từ nước ngoài cũng phải phiên ý như: Thượng Hải, Bắc Kinh, Đại Phá Luân (Washington), Anh Tanh (Albert Einstein), Pháp (France), Hoa Kỳ (United States), Úc (Australia)... Hiện nay Tiếng Việt sử dụng hệ thống chữ viết biểu âm Quốc Ngữ. Tiếng Việt sử dụng hệ thống chữ viết biểu âm bao gồm 29 chữ cái, tạo ra tổ hợp 37 âm vị.
Ngoài các âm vị đơn lẻ biểu diễn bằng 29 chữ cái, còn có các âm ghép, âm đôi, âm ba... Ví dụ: tr, ch, gh, nh, ia, ya, iê, ui... Điều này có nghĩa là dù chúng ta có nói tiếng gì đi nữa thì trong các tiếng nói ra sẽ luôn luôn được cấu tạo từ các thành phần âm thanh nhỏ nhất là âm vị nằm trong 37 âm vị đã được chuẩn hóa kia. Khác hoàn toàn với ngôn ngữ không được chuẩn hóa âm thanh biểu ý.
Điều này cung cấp cho tiếng Việt khả năng sao chép âm thanh tương tự để hình thành các từ có âm nước ngoài như: xi măng (ciment), lavabo, nhà ga, xà phòng, ghi -đông... Một số từ đã việt hóa cách ghi nhưng vẫn là âm nước ngoài. Cụ thể Tiếng Việt đã mượn hơn 2000 từ từ Tiếng Pháp theo phương pháp phiên âm của hệ thống biểu âm.
Tiếng Anh cũng là một ngôn ngữ biểu âm với 44 âm vị. Điều này làm cho tiếng Anh mượn rất nhiều từ từ ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Đức... đặc biệt là hệ thống từ ngữ bất quy tắc. Tức là nó ghi lại âm tương tự chứ không ghi nghĩa, một đặc điểm của ngôn ngữ biểu âm.
3. Ưu nhược điểm của biểu âm và biểu ý
Hạn chế của hệ thống ngôn ngữ biểu ý dễ thấy nhất khi quan sát sự phổ biến của tiếng Trung. Người bình thường để học thông thạo tiếng Trung phải mất nhiều năm ghi nhớ hàng ngàn chữ cái riêng biệt. Vì số lượng kí tự lên tới hàng ngàn nên rất dễ quên cách viết.
Các bạn sẽ không lạ khi giáo sư ngôn ngữ Trung Quốc cũng quên mất cách ghi những chữ mà họ lâu không dùng tới. Đặc biệt trở nên phổ biến hệ thống trung lặp âm thanh mà người ta gọi là đồng âm. Ví dụ: âm A trong Tiếng Trung chỉ tổ hợp thành 5 âm khác nhau điều này làm cho việc các âm A, An, Ang, OAng,... Rất khó để phân biệt, không có chuẩn cụ thể nên bị đưa vào đồng âm.
Lại mất thời gian dịch ý nghĩa của các cụm từ mới học theo ngôn ngữ nước ngoài. Tạo ra các vùng tiếng địa phương khác nhau dù cùng một chữ viết, một cách ghi (các biến thể âm thanh). Các tên nước ngoài như sản phẩm, đồ uống nước ngoài khi tràn vào phải đổi lại tên gọi cho có ý nghĩa tránh bị trùng âm với tiếng nội địa. Ưu điểm của hệ ngôn ngữ biểu âm chính là giữ nguyên và chuẩn hóa được âm thanh, không gây nhầm lẫn như trong trường hợp đồng âm.
Ví dụ: âm A trong Tiếng Việt tổ hợp thành 27 âm khác nhau, dễ dàng phân biệt, nhận thấy sự khác biệt giữa: a, ai, an, ang, ăng, ác, át, at,... Điều này tạo ra sự dễ học, người bình thường có thể mất 3 tháng đã thông thạo Tiếng Việt.
4. Ghi tiếng Anh trong tiếng Việt
Hiện nay, việc giao lưu học hỏi đa văn hóa là không thể tránh khỏi. Người Việt ta cũng bắt đầu giao lưu với Mỹ, Anh... cho nên việc sử dụng tiếng Anh trong tiếng Việt là không thể thiếu, cũng không hề lạ.
Các bạn thường nghe thấy "chơi golf" (chơi gôn), "book vé"... sự tranh cãi diễn ra quyết liệt khi hai người nói từ "book vé" và "đặt vé"... đang càng ngày càng có vẻ khá xung khắc.
Nguyên nhân là do cách sử dụng biểu ý và biểu âm bị xung đột. Với người sử dụng biểu âm sẽ giữ nguyên âm thanh trong tiếng Anh là "book", check in, file, folder, big data... Chúng ta có thể phiên âm sang Việt hóa cách ghi như "búc" nhưng trình độ cao về tiếng Anh nên chúng ta ghi luôn bằng tiếng Anh.
Trong khi đó người sử dụng biểu ý lại muốn giữ nguyên ý nghĩa nên dịch ra luôn như: book- đặt, file- tập tin, folder- thư mục...
Tuệ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.