Nói chêm tiếng Anh không phải là hiện tượng mới trong đời sống hiện nay. Vấn đề này đã được nhiều người đưa ra bàn tán. Nhưng gần đây, từ lúc một ca sĩ Việt Nam sang Mỹ được hai tuần, khi trò chuyện trực tiếp với người hâm mộ của mình đã chêm vài từ tiếng Anh xen lẫn tiếng Việt thì vấn đề này một lần nữa được đào xới lên.
Điều này gây khó chịu với một số người, trong đó có tôi. Ở mặt ngược lại, một số người lại xem điều đó là bình thường.
Tôi đem vấn đề này thảo luận với bạn bè và cho rằng đó là không giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Tại sao có một số người sang nước ngoài rất lâu năm nhưng họ vẫn nói chuyện trôi chảy, và dùng 100% tiếng Việt. Trong khi một số người mới xa quê hương chưa được bao lâu lại nói chuyện ấp úng, kiểu không tìm được từ tiếng Việt để diễn đạt?
Bạn bè của tôi lại nói rằng việc chêm vài từ, cụm từ tiếng Anh là một phương pháp "tắm" ngôn ngữ, giúp cho việc ghi nhớ và ứng dụng ngoại ngữ vào đời sống một cách tốt nhất. Tôi không có ý kiến về phương pháp học này. Nhưng đã muốn học ngoại ngữ thì tại sao không "tắm" hoàn toàn, tức dùng hoàn toàn tiếng Anh mà lại dùng một cách nửa nạc, nửa mỡ như thế?
Tôi cũng bắt gặp cách lập luận sở dĩ phải chêm từ tiếng Anh vì không có từ tiếng Việt tương ứng. Nhưng tôi cho đó không phải là lý do để dùng ngoại ngữ một cách tuỳ tiện với tiếng mẹ đẻ.
Một ví dụ là ở đầu bài, tôi đã viết "trò chuyện trực tiếp" thay vì "trò chuyện qua livestream". Nếu là một người dễ dãi, tôi sẽ viết câu đó đầy đủ là: "trò chuyện qua livestream với fan của mình". Như vậy, tôi đã không dùng hai từ tiếng Anh trong câu viết.
Tương tự, tại sao không nói "đặt vé máy bay" mà nhiều người lại thích dùng "book vé máy bay", tại sao không dùng "đặt xe", "gọi xe" thay vì cứ dễ dãi dùng "book"?
Theo tôi, tiếng Việt hoàn toàn có khả năng diễn đạt những khái niệm có nguồn gốc từ nước ngoài. Nếu từ hiện tại của tiếng Việt sau khi dịch nghĩa dài quá, thì các nhà ngôn ngữ học phải tìm cách đặt ra từ mới ngắn ngọn hơn nhưng vẫn đảm bảo được ngữ nghĩa để mọi người sử dụng. Việc nói tiếng Việt nhưng lại chêm từ tiếng nước ngoài vào, trừ môi trường học thuật thì rõ ràng là đang không tôn trọng tiếng nói của mình.
Quân Vũ
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.