Câu chuyện người đàn ông Nhật Bản 74 tuổi hơn 10 năm nhặt rác ở Hồ Gươm một lần nữa khiến nhiều người Việt phải nghĩ lại về ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường của mình.
Độc giả ST chia sẻ: "Điều quan trọng không phải là ngày càng có thêm nhiều người tham gia nhặt rác do người khác xả ra, mà phải làm sao để ai cũng có ý thức không xả rác bừa bãi. Chính quyền nên có một đội ngũ nhân viên túc trực ở đây để nhắc nhở những người xả rác. Chỉ cần thời gian đầu làm gay gắt một chút rồi từ từ mọi người sẽ tập thành thói quen".
Nhiều lần chứng kiến cảnh người Việt xả rác nới công cộng, bạn đọc Thu Ha bức xúc: "Chúng ta cũng dạy trẻ em từ bé về việc giữ vệ sinh môi trường, nhưng khi cha mẹ chở trẻ con đến trường, họ vẫn giục các con quăng vỏ hộp sữa, túi đựng bánh ra bên đường để cho nhanh. Vậy thì làm sao trẻ hình thành được ý thức?
Mẹ tôi làm ở Hội phụ nữ, từng nhiều lần chứng kiến trưởng khu phố ăn mía xong vẫn quăng bã ra đường. Vậy nên chẳng trách người trẻ học theo, con cháu học theo, quanh xóm ai cũng có thể vô tư vứt rác ra đường. Người lớn làm thế nào trẻ con sẽ học theo thế ấy như một tấm gương".
"Thật lòng tôi cảm thấy xấu hổ vì ý thức của một số người dân. Tôi đã rất nhiều lần chứng kiến người ngồi trên ôtô sang trọng nhưng thản nhiên mở cửa sổ xe để vứt rác ra đường. Tôi càng buồn hơn khi thấy nhiều học sinh từ nhỏ đến lớn ngồi trên xe ba mẹ chở, ăn uống xong lại ném rác xuống đường.", độc giả Thu Thủy nói thêm.
>> Vứt vỏ chuối xuống vịnh Hạ Long
So sánh với cách người Nhật xây dựng ý thức giữ vệ sinh môi trường, bạn đọc Tuan nhấn mạnh: "Nếu ai từng học và làm việc ở Nhật, có lẽ đã quen với những phong trào tình nguyện xanh. Trường học sẽ sắp xếp một ngày cho toàn trường qua một công viên hay ven sông gần đó để thu nhặt rác và cuối buổi là tập trung chia sẻ cơm nắm với nhau. Đó là một nét đẹp của văn hóa Nhật và nó còn được đưa vào giáo dục từ rất sớm.
Đây là điều mà trường học chúng ta đang thiếu. Bên cạnh đó, những buổi thăm quan, chúng ta có thể đưa các em tới những công ty phân loại rác thải và xử lý rác để trẻ có thể chứng kiến được số lượng rác khổng lồ mà thành phố đang phải gồng gánh mỗi ngày, qua đó thấu hiểu và nâng cao ý thức về vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường sống".
Đồng quan điểm, bạn đọc Noname bổ sung thêm: "Tôi đang sống tại Nhật Bản. Không phải tự nhiên thành phố ở đây đều rất sạch sẽ, gần như không thể tìm thấy mảnh rác nào và cũng không có cả thùng rác di động luôn. Rác của ai thì người đó mang về nhà để phân loại. Luật phân loại rác ở đây rất nghiêm. Tôi nhiều lần thấy trẻ con hay người lớn ở Nhật Bản đang đi trên đường cũng dừng lại, nhặt cái vỏ chai bị vứt trên đường, bỏ vào giỏ xe, rồi đi tiếp. Người Nhật có câu: 'Con chim cất cánh không làm bẩn đường bay'".
Cần chế tài đủ mạnh để thay đổi ý thức của người Việt, độc giả Nguyen Trinh kết lại: "Nhiều người Việt hay có thói quen đám đông, hễ có một người xả rác được là nhiều người khác cũng làm theo. Nếu người lớn không dạy dỗ được con cháu mình thì tương lai chỉ tạo ra những thói quen tương tự như vậy.
Tôi rất bức xúc khi chứng kiến nhiều bậc phụ huynh chở con cháu đi trên đường mà thản nhiên để trẻ vứt chai nước, hộp sữa, đồ ăn thừa xuống đường như chỗ không người. Mong rằng pháp luật có chế tài xử phạt thật nặng những người vô ý thức để cứu vãn được môi trường sống của chúng ta".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.