Tổng thống Joe Biden ngày 26/6 trở lại sân khấu quốc tế với các cuộc họp thượng đỉnh cùng các lãnh đạo châu Âu, nhằm củng cố sự ủng hộ của thế giới với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Ông Biden tuyên bố 4 nước G7 gồm Anh, Mỹ, Canada và Nhật Bản sẽ áp lệnh cấm nhập khẩu vàng với Nga trong nỗ lực làm suy yếu hơn nữa nền kinh tế Moskva. Ông chủ Nhà Trắng đưa ra thông điệp trọng tâm cho chuyến công du châu Âu là bất chấp những căng thẳng tài chính ngày càng tăng, phương Tây phải tiếp tục ủng hộ Kiev.
"Chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta ở bên nhau và tiếp tục cùng nhau đối phó với những thách thức kinh tế. Tôi nghĩ chúng ta sẽ vượt qua tất cả những điều này và trở nên mạnh mẽ hơn", Tổng thống Biden nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc gặp đầu tiên tại hội nghị thượng đỉnh.
"Những gì ông Putin thấy ban đầu là sự chia rẽ của NATO và G7, nhưng chúng ta đã và sẽ không như vậy", ông Biden nói thêm, đề cập tới Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Nhưng sự xuất hiện của ông tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Đức đã bị lu mờ bởi phán quyết về quyền phá thai của Tòa án Tối cao Mỹ hôm 24/6. Tòa án đã đảo ngược phán quyết vụ kiện "Roe chống lại Wade" đưa ra năm 1973. Khi đó, tòa tuyên bố phá thai là một trong những quyền con người căn bản của phụ nữ và là quyền hiến định dựa trên tu chính án số 14.
Phán quyết mới nhất của Tòa án Tối cao Mỹ được nhiều người bảo thủ ủng hộ, nhưng các cuộc thăm dò cho thấy nó không nhận được đa số đồng thuận ở Mỹ và khiến nhiều phụ nữ nước này phẫn nộ. Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra ở các thành phố khắp nước Mỹ, trong khi nhiều lãnh đạo thế giới cũng lên tiếng chỉ trích.
Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi đó "bước lùi lớn", trong khi Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố "không chính phủ, chính trị gia hay một người đàn ông nào nên nói với phụ nữ về những gì có thể và không thể làm với cơ thể họ".Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đăng Twitter vài giờ sau phán quyết rằng "phá thai là quyền cơ bản nhất của tất cả phụ nữ".
"Tôi muốn bày tỏ đoàn kết với những người phụ nữ mà quyền tự do của họ đang bị phá hoại bởi Tòa án Tối cao Mỹ", ông Macron viết.
Ông Biden cũng mạnh mẽ lên án phán quyết của Tòa án Tối cao và cam kết sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang để bảo vệ lựa chọn của phụ nữ. Nhưng ông có rất ít quyền lực hành pháp để giúp đỡ hàng triệu phụ nữ Mỹ sau phán quyết của tòa.
Quyết định đảo ngược quyền phá thai được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Biden mạnh mẽ lên án một phán quyết khác của Tòa án Tối cao, làm suy yếu đáng kể các biện pháp kiểm soát súng. Những phán quyết này, được thúc đẩy bởi các thẩm phán bảo thủ do các tổng thống Cộng hòa chỉ định, càng làm tăng cảm giác bất lực của ông Biden. Tổng thống Mỹ từng chịu thất bại trong nỗ lực cải cách quyền bỏ phiếu và vấn đề biến đổi khí hậu, cũng như đang chứng kiến tỷ lệ ủng hộ sụt giảm mạnh vì lạm phát tăng.
Sự khác biệt giữa hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay ở Bavaria, Đức với sự kiện năm ngoái ở Cornwall, Anh là rất rõ ràng.
12 tháng trước, ông Biden đã nhận được ủng hộ mạnh mẽ của công chúng Mỹ sau nỗ lực ứng phó Covid-19 và tiêm chủng, cũng như được các đối tác tại G7 chào đón như một người đưa Mỹ trở lại sau 4 năm biến động dưới thời Donald Trump.
Nhưng một năm sau, loạt thách thức trong nước đã làm giảm tín nhiệm của ông Biden, đặc biệt là lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm.
Dù các thành viên Dân chủ hy vọng làn sóng bất bình với phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ thúc đẩy cử tri tăng ủng hộ họ, nhiều người trong đảng đang lo ngại lạm phát leo thang sẽ khiến phe Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Các lãnh đạo thế giới hôm 25/6 lưu ý rằng lạm phát là vấn đề toàn cầu và trở nên trầm trọng hơn do chiến dịch quân sự của Nga, dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực và năng lượng trên toàn thế giới.
Phương Tây đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt với Nga. Lệnh cấm vàng Nga, dự kiến công bố chính thức vào ngày 28/6, có thể ảnh hưởng tới hàng chục tỷ USD đối với mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Nga.
Bất chấp phản đối của Nga, động thái mở rộng NATO với Thụy Điển và Phần Lan sẽ là vấn đề trọng tâm trong hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid, Tây Ban Nha vào cuối tháng này. Dù Thổ Nhĩ Kỳ phản đối, những thành viên khác của NATO đang tìm cách thúc đẩy tiến trình kết nạp hai quốc gia Bắc Âu.
Nhưng căng thẳng giữa các đồng minh châu Âu xuất hiện ngày càng nhiều, khi những hạn chế với xuất khẩu năng lượng Nga đã gây áp lực cho các nền kinh tế khu vực. Thủ tướng Anh đã cảnh báo về "nỗi mỏi mệt Ukraine" và kêu gọi các đồng minh phương Tây không ngừng ủng hội Kiev.
Tổng thống Mỹ đặt mục tiêu thúc đẩy đồng minh bỏ qua những ngần ngại trong bối cảnh Nga tiến quân mạnh mẽ ở vùng Donbass, miền đông Ukraine. Nga đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Ukraine và không kích vào Kiev hôm 26/6, ngay khi các lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Đức. Ông Biden đã chỉ trích cuộc không kích của Nga là "dã man".
Ông chủ Nhà Trắng đã nhận được tín nhiệm cao, thậm chí từ một số đảng viên Cộng hòa, về khả năng quản lý xung đột Ukraine. Tuy nhiên, các trợ lý Nhà Trắng thừa nhận thực tế rằng điều đó khó có thể thay đổi được cục diện cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào mùa thu, vốn chắc chắn bị chi phối bởi lạm phát và các vấn đề trong nước khác.
Nga không phải đối thủ duy nhất mà các lãnh đạo thế giới quan tâm. Các lãnh đạo EU đã tìm cách khởi động một chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá 600 tỷ USD, nhằm cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Ông Biden cho biết nếu các nền dân chủ cùng nhau thực hiện, họ sẽ "cung cấp các lựa chọn tốt hơn cho người dân toàn cầu".
Nhưng ngay cả khi đó, ông Biden cũng khó có thể thoát khỏi cái bóng của Tòa án Tối cao, dù đang cách nước Mỹ hàng nghìn km. Sau khi công bố chương trình, Tổng thống rời sân khấu và tiến tới trò chuyện với các đối tác. Một phóng viên đã hét to câu hỏi không liên quan tới chương trình cơ sở hạ tầng mới, mà là về phán quyết quyền phá thai. Ông Biden đã phớt lờ câu hỏi này.
Thanh Tâm (Theo Politico)