Vài tuần sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden cử Brett McGurk, cố vấn hàng đầu về Trung Đông, tới Arab Saudi, mang theo thông điệp gửi Thái tử Mohammed bin Salman.
McGurk thông báo với Thái tử Mohammed rằng mối quan hệ gần gũi lâu năm giữa Riyadh với Washington đang lung lay. Sau vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và cuộc chiến kéo dài ở Yemen, Arab Saudi đã mất đi sự ủng hộ của lưỡng đảng trong quốc hội Mỹ. Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Biden cũng từng cam kết sẽ trừng phạt quốc gia Trung Đông này.
Cố vấn của Tổng thống Mỹ cũng báo trước với Thái tử Mohammed những gì sắp xảy ra. Mỹ sẽ sớm công bố đánh giá tình báo về cáo buộc Thái tử đứng sau vụ sát hại Khashoggi, áp trừng phạt với một số đặc vụ Arab Saudi. Ông Biden cũng chấm dứt ủng hộ của Mỹ với chiến dịch quân sự ở Yemen, đồng thời nêu lên một số lo ngại về nhân quyền với Arab Saudi.
Thông điệp mà ông Biden gửi tới Thái tử Mohammed cũng thừa nhận những lợi ích đan xen giữa Mỹ và Arab Saudi. McGurk nói rằng Tổng thống Mỹ hy vọng hai nước có thể tiếp tục với một nền tảng mới để phát triển quan hệ đối tác "trong 80 năm tới".
Đáp lại, Thái tử Mohammed tuyên bố ông không hạ lệnh giết Khashoggi, nhưng nhất trí rằng điều đó đáng lẽ không nên xảy ra và mong muốn hàn gắn mối quan hệ đã được xây dựng từ năm 1945 với Mỹ.
Thái tử nói với McGurk rằng ông đang thay đổi Arab Saudi, nhưng với tốc độ và mức độ theo nhu cầu của Riyadh, chứ không phải của Washington. Ông sẽ làm việc để thúc đẩy hòa bình khu vực, nhưng cần một cam kết của Mỹ về quốc phòng của Arab Saudi. Thái tử Mohammed nói Mỹ và Arab Saudi nên đối xử với nhau một cách trung thực và minh bạch.
Tuần trước, Tổng thống Biden đưa ra thông báo được giới quan sát mong đợi từ lâu: ông sẽ thăm chính thức Arab Saudi, trong nỗ lực làm tan băng mối quan hệ và thừa nhận việc trừng phạt quốc gia dầu mỏ này sẽ là một ngõ cụt ngoại giao.
Nhiều tiếng nói phản đối đã xuất hiện. Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine nói chuyến đi là "một ý tưởng thực sự tồi tệ". Một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ đã gửi thư cho Tổng thống Biden, cho rằng việc hợp tác với Arab Saudi nên nhằm mục đích "tính toán lại mối quan hệ để phục vụ lợi ích của Mỹ", một lời nhắc về cam kết điều chỉnh lại mối quan hệ mà ông Biden từng đưa ra khi tranh cử.
Trong một bức thư gần đây gửi ông Biden, 13 nhóm nhân quyền cảnh báo nỗ lực cải thiện mối quan hệ Mỹ - Arab Saudi "không chỉ phản bội lời hứa tranh cử, mà còn có thể khuyến khích Thái tử Mohammed vi phạm thêm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế".
"Tôi sẽ không thay đổi quan điểm về nhân quyền", ông Biden nói đầu tháng này, khi được hỏi về chuyến thăm Arab Saudi. "Nhưng với tư cách là Tổng thống Mỹ, công việc của tôi là mang lại hòa bình. Và đó là những gì tôi sẽ cố gắng làm".
Tổng thống Biden dường như nhận ra tình hình thế giới đã có những biến chuyển mạnh mẽ và ông có thể phải quay lưng với cam kết khi tranh cử để cải thiện quan hệ với Arab Saudi. Sau khi Nga phát động chiến dịch Ukraine, giới chức cấp cao Mỹ nói Tổng thống Biden đang xem xét lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, bởi tình hình hiện tại rất khác so với khi ông mới nhậm chức.
Nghị sĩ Dân chủ Tom Malinowski, một trong những người phản đối gay gắt nhất cuộc chiến do Arab Saudi dẫn đầu ở Yemen, cho rằng điều quan trọng nhất với Mỹ hiện nay là "khiến Nga thất bại" và điều này sẽ lấn át các mục tiêu khác, kể cả vấn đề nhân quyền.
Tổng thống Biden bắt đầu nhiệm kỳ bằng một cử chỉ ngoại giao chuẩn mực với Arab Saudi. Khi nhậm chức, ông đã điện đàm với Vua Salman, cha của Thái tử Mohammed, và có một cuộc trò chuyện "ấm áp và hướng tới tương lai", theo mô tả của cả hai bên.
Chính sách ban đầu của Biden là thể hiện đường lối cứng rắn với Arab Saudi trước công chúng, nhưng tìm cách duy trì quan hệ ngoại giao ở hậu trường, thúc đẩy Arab Saudi chấm dứt cuộc chiến ở Yemen và đóng vai trò mang tính xây dựng trong chính trị khu vực cùng với Iran và Israel.
Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận Arab Saudi đã thực hiện phần lớn đề nghị của Mỹ. Kể từ khi ông Biden nhậm chức, Thái tử Mohammed đã tăng cường nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ở Yemen, ngăn phong tỏa Qatar, mở đối thoại với Iran song song với các cuộc đàm phán hạt nhân của Washington và âm thầm tăng cường liên lạc với Israel.
Đầu năm nay, Arab Saudi cùng Israel tham gia cuộc tập trận hàng hải do Mỹ dẫn đầu trong khu vực. Chính quyền Biden đang nỗ lực làm trung gian cho một thỏa thuận giữa hai nước, cho phép thêm nhiều chuyến bay thương mại đến và đi từ Israel qua không phận Arab Saudi. Về đối nội, Thái tử Mohammed tìm cách cải cách đất nước, giảm quyền lực của các giáo sĩ và trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ.
Thái tử Mohammed nói với các trợ lý rằng một tầm nhìn tích cực là cần thiết để điều chỉnh lại mối quan hệ với Mỹ. Ông cho rằng kế hoạch "Xây lại Tốt hơn" (Build Back Better) của Tổng thống Biden có nhiều điểm tương đồng với kế hoạch chiến lược Tầm nhìn 2030 của ông về thay đổi nền kinh tế Arab Saudi.
Ông nói sẽ đề xuất các ý tưởng về cách hai nước hợp tác trong các lĩnh vực từ dầu mỏ, an ninh lương thực tới hợp tác không gian mạng và vũ trụ. Thái tử cho rằng quan hệ đối tác như vậy sẽ tạo ra nhiều việc làm cho Arab Saudi và tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu cho Mỹ.
"Chúng tôi muốn có một lộ trình cho quan hệ đối tác giữa hai nước trong những năm còn lại của thế kỷ này", đại sứ Arab Saudi Reema bint Bandar al-Saud nói.
Thay vì một lộ trình như vậy, các quan chức Arab Saudi cho biết họ tiếp tục nhận được nhiều yêu cầu hơn của Mỹ, từ giúp kiềm chế bất ổn ở Iraq và hỗ trợ nền kinh tế của Lebanon đến tiếp nhận người tị nạn Afghanistan hay hòa giải xung đột ở Sudan, Ethiopia. Sau đó là dầu mỏ: yêu cầu thường trực của Mỹ với Arab Saudi là tăng sản lượng để kiềm chế giá xăng.
Riyadh không hài lòng với một số biện pháp mà họ cho là nửa vời với những mối đe dọa từ Iran. Washington đã loại nhóm Houthi do Iran hậu thuẫn ở Yemen khỏi danh sách khủng bố và từ chối cung cấp cho Arab Saudi tên lửa hiện đại để đánh chặn các cuộc tập kích của phiến quân, do Mỹ coi đây là vũ khí tấn công.
"Quá trình xây dựng lại quan hệ song phương cần có thời gian", một cựu quan chức tình báo Mỹ nói. "Arab Saudi nghĩ sẽ mất 6-7 tháng, nhưng Mỹ không đặt ra thời hạn nào. Đó dường như là lý do Riyadh ngày càng giận dữ".
Vào thời điểm cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan có chuyến thăm đầu tiên tới Arab Saudi hồi tháng 9 năm ngoái, mọi thứ đã bắt đầu đổ vỡ. Cuộc gặp không có khởi đầu tốt. Thái tử Arab Saudi tiếp đón Sullivan và nhóm của ông ở khu nghỉ dưỡng Neom ở Biển Đỏ với trang phục giản dị, hy vọng thiết lập một bầu không khí thoải mái giữa những người bạn. Nhưng phái đoàn Mỹ xuất hiện trong trang phục trịnh trọng, vốn thường được sử dụng cho các cuộc đàm phán chính thức.
Khi thảo luận về vấn đề Khashoggi, Thái tử Mohammed trở nên khó chịu. Ông nhắc nhở Sullivan rằng Tổng thống Biden đã đòi hỏi nhiều điều và ông đã thực hiện. Bây giờ, đến lượt Mỹ phải chứng minh cho Arab Saudi thấy họ có thể tin tưởng được.
Thái tử đưa ra hai lựa chọn: Mỹ có thể tiếp tục sống trong quá khứ, giảm quan hệ với Arab Saudi xuống mức "đổi chác" đơn thuần, hoặc hai nước hợp tác để cùng nhau giải quyết vô số thách thức an ninh và kinh tế toàn cầu.
Thái tử Mohammed một lần nữa đưa ra tầm nhìn hợp tác với Mỹ trên một số lĩnh vực, nhấn mạnh Washington cần một đối tác như Riyadh. Nhận thấy cơ hội tăng cường khả năng ganh đua quyền lực của Mỹ trên trường quốc tế, ông đồng ý rằng điều quan trọng là hai nước phải nhìn về phía trước, ngay cả khi nỗ lực giải quyết các vấn đề tồn đọng về Yemen và nhân quyền.
Trong vài tuần sau chuyến thăm của Sullivan, nhiều bộ trưởng Arab Saudi đã tới Washington, đối thoại từ các vấn đề đối ngoại, quốc phòng tới thương mại, đầu tư và môi trường. Riyadh cũng tiếp đón các phái đoàn Mỹ. Giới chức Mỹ bắt đầu gửi thông điệp đến các công ty của nước này rằng việc kinh doanh tại Arab Saudi rất thuận lợi. Bộ trưởng Tài chính Arab Saudi tổ chức một diễn đàn hai ngày với các lãnh đạo doanh nghiệp tại Washington về cách nước này thay đổi quy định để tạo thuận lợi cho các công ty Mỹ và nước khác làm ăn kinh doanh.
Nhưng bất chấp những tiến bộ của hai bên, việc ông Biden tiếp tục từ chối bình thường hóa quan hệ với Thái tử Mohammed đã gây tổn hại cho quá trình cải thiện quan hệ, theo Elise Labott, chuyên gia tại Trường Dịch vụ Quốc tế thuộc Đại học Mỹ. Công chúng Arab Saudi cảm thấy không được tôn trọng khi Mỹ tiếp tục công kích Thái tử, người rất được yêu mến trong nước.
"Chúng tôi chưa bao giờ chê bai một lãnh đạo Mỹ", đại sứ al-Saud nói. "Chúng ta có thể nhất trí hoặc không về chính sách, nhưng bạn không thể đánh giá về con người hoặc toàn bộ đất nước chúng tôi. Đó là những gì chúng tôi làm".
Căng thẳng một lần nữa sôi sục vào tháng 2, khi giá dầu tăng vọt và Nga bắt đầu triển khai quân áp sát biên giới Ukraine. Các phái đoàn Mỹ đến Riyadh kêu gọi tăng sản lượng dầu đều bị từ chối. Khi Tổng thống Biden đề nghị điện đàm với Thái tử Mohammed về khủng hoảng dầu mỏ, Thái tử đã chuyển cuộc gọi tới Vua Salman trước khi từ chối yêu cầu của ông Biden. "Thông điệp từ Riyadh rất rõ ràng: đó không phải vấn đề của chúng tôi và chúng tôi không phải người xấu", Labott nói.
Arab Saudi cho rằng Mỹ đã tự gây ra khủng hoảng năng lượng khi từ chối tăng sản lượng khai thác dầu và đình chỉ dự án đường ống dẫn Keystone XL từ Canada. Do đó, việc Arab Saudi bơm thêm dầu trong ngắn hạn sẽ không giải quyết được nhu cầu dài hạn của Mỹ. Ngoài ra, Riyadh còn bị mắc kẹt với Moskva về giới hạn sản lượng khai thác theo thỏa thuận của OPEC+ nhằm "bảo vệ sự ổn định của thị trường".
Xung đột quân sự Ukraine là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi. Arab Saudi nhất trí với một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án chiến dịch quân sự, nhưng chống lại áp lực từ Mỹ để cô lập và trừng phạt Tổng thống Vladimir Putin, người có quan hệ tốt với Thái tử.
Các trợ lý Nhà Trắng lo ngại bế tắc với Thái tử có thể đẩy mối quan hệ đối tác hàng thập kỷ giữa Mỹ với Arab Saudi đến bờ vực đổ vỡ và đẩy Riyadh về phía Moskva, Bắc Kinh. Thái tử Mohammed gần đây đã mời Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm Riyadh và đang xem xét bán dầu cho Trung Quốc. Arab Saudi còn có kế hoạch mua tên lửa từ Trung Quốc, khiến các nghị sĩ đảng Dân chủ ở Mỹ lo ngại.
Nhiều đồng minh của Mỹ đã kêu gọi ông Biden chấm dứt căng thẳng với Thái tử Arab Saudi. Màn sương mù cuối cùng đã dần tan vào tháng 4, khi Nhà Trắng cử giám đốc CIA William Burns, người mà Riyadh tôn trọng, tới Arab Saudi. Viễn cảnh chuyến thăm của ông Biden trở nên rõ ràng hơn sau chuyến thăm Washington tháng trước của Hoàng tử Khalid bin Salman, thứ trưởng quốc phòng Arab Saudi và là em trai Thái tử.
Hoàng tử Khalid nói chuyến thăm của ông Biden sẽ "tác động mạnh mẽ tới khu vực và tăng cường quan hệ của chúng tôi".
"Chính phủ Mỹ thừa nhận rằng Arab Saudi là một đồng minh quan trọng. Mối quan hệ là nền tảng của sự ổn định, ở cả Trung Đông và trong nền kinh tế toàn cầu. Ở Arab Saudi, chúng tôi muốn xác định mối quan hệ sẽ như thế nào trong thế kỷ này", ông nói.
Quá trình tan băng bắt đầu. Tổng thống Mỹ ca ngợi "sự lãnh đạo can đảm" của Arab Saudi khi ký gia hạn thỏa thuận ngừng bắn giữa các phe phái ở Yemen, dẫn tới giai đoạn hòa hoãn nhất trong cuộc chiến kéo dài 7 năm.
OPEC+ thông báo thỏa thuận tăng sản lượng dầu. Nhà Trắng sau đó ra tuyên bố rằng "chúng tôi công nhận vai trò của Arab Saudi trên cương vị chủ tịch OPEC+ và nhà xuất khẩu lớn nhất để đạt thỏa thuận này". Giới chức Mỹ hy vọng tốc độ tăng sản lượng dầu ổn định này sẽ kéo dài suốt năm.
"Phải trải qua rất nhiều vận động, thuyết phục để Tổng thống làm điều này", một quan chức Nhà Trắng nói về chuyến thăm Arab Saudi của ông Biden. "Nó không phải là điều khiến ông ấy thấy thoải mái".
Giới quan sát cho rằng sẽ là ngây thơ nếu nhận định dầu mỏ và áp lực kinh tế cấp bách của Mỹ không phải là yếu tố khiến ông Biden tới Arab Saudi. Nhưng các quan chức Mỹ và Arab Saudi đều nói hai bên có kế hoạch về một quan hệ đối tác lớn hơn liên quan đến cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch, không gian mạng và đầu tư kinh tế.
"Chúng tôi biết Mỹ đã làm gì cho Arab Saudi", đại sứ al-Saud nói. "Các công ty Mỹ đã giúp xây dựng đất nước chúng tôi. Nếu chúng ta nhìn vào những gì đã cùng nhau làm trong 80 năm qua, hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể làm trong 80 năm tới".
Thanh Tâm (Theo Politico)