Điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ lâu đã là bài toán khó với các nhà làm chính sách. Câu hỏi tăng thế nào, bao giờ tăng để vừa đảm bảo được mức sống tối thiểu cho người lao động, vừa không đẩy doanh nghiệp vào thế khó, luôn là vấn đề trăn trở với người Việt suốt nhiều năm.
Trả lời cho thắc mắc này, độc giả Dien Nguyen Van chỉ ra gốc rễ của vấn đề năm ở quan điểm lấy mức nhân công giá rẻ để cạnh tranh với thế giới: "Để cải thiện chất lượng sống của người Việt trong giai đoạn 2022-2045, theo tôi, nên điều chỉnh hệ thống tiền lương sao cho tiệm cận được với mức lương của các nước trong khu vực ASEAN, Ấn Độ hay Trung Quốc.
Hiện nay, chất lượng cuộc sống của người Việt phản ánh rõ nhất qua giá trị của ngôi nhà và chiếc ôtô. Giá ôtô mới của hãng đang rất cạnh tranh, và phù hợp với túi tiền của từng gia đình, đạt chuẩn quốc tế, một hộ gia đình phấn đấu trong 5-10 năm là mua được ôtô. Trong khi đó, một căn nhà ở Việt Nam lại thường được định giá cao gấp nhiều lần so với một chiếc xe hơi. Việc tạo ra bong bóng bất động sản rất không tốt cho thị trường. Công thức hợp lý nhất là giá nhà vừa phải, chứ không phải là thứ đắt nhất, giá đất ruộng và đất nông nghiệp phải lên theo thị trường.
Nói về hệ thống tiền lương theo vị trí việc làm, lương một lao động giản đơn (công nhân hoặc nông dân) phải đảm bảo đủ nuôi sống một người và có 30% tích lũy, lương giáo sư, kỹ sư, giáo viên, bác sĩ, kế toán, Giám đốc, Tiến sĩ, Thạc sĩ lần lượt tăng theo hệ số so với lao động giản đơn. Chúng ta không nên tiếp tục lấy nhân công giá rẻ ra làm yếu tố cạnh tranh mãi với các nước trên thế giới, nhất là khi điều kiện kinh tế xã hội đã càng đi lên".
>> 'Nâng tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ để lương công nhân đủ sống'
Đồng quan điểm, bạn đọc Thị Diệu Lê Lê cho rằng, việc chấp nhận lương thấp cho người lao động đã không còn phù hợp: "Việt Nam cạnh tranh FDI bằng cách chấp nhận lương thấp cho người lao động ngay từ đầu. Hậu quá là kéo dài mãi tình trạng lương tối thiểu không đủ sống, có tăng lương cơ bản cũng rất thấp. Người lao động quanh năm phải lo cuộc sống, lúc nào cũng trông chờ vào tăng ca, không thể có điều kiện để tái tạo sức lao động, cũng không tích lũy được tài chính, sức khỏe hao mòn.
Đa phần người lao động đều xa quê, con cái gửi ông bà chăm sóc. Nếu họ có làm vài chục năm thì sau này lương hưu cũng rất thấp. Vậy nên, nhà nước nên điều chỉnh mức lương cho các doanh nghiệp FDI bắt buộc. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vào Việt Nam vì giá nhân công quá rẻ. Thế nên, nếu có tăng lương cơ bản hàng năm thì công nhân cũng rất khó sống bằng lương".
Hội đồng Tiền lương quốc gia kết thúc phiên họp đầu tiên về đàm phán lương tối thiểu vùng hôm 28/3. Mức tăng cụ thể chưa được công bố song các bên đã tính tới thời điểm điều chỉnh.
Thực tế, lương gần hai năm không điều chỉnh tạo ra những bất ổn trong quan hệ lao động. Khi không thể thương lượng thì giải pháp cuối cùng của người lao động là ngừng việc tập thể. Thống kê trước và sau Tết Nhâm Dần, cả nước xảy ra 28 cuộc ngừng việc tập thể, tranh chấp lao động tại 11 địa phương, nguyên nhân chủ yếu liên quan tới tiền lương, chế độ phúc lợi cho lao động. Tiền lương không đủ sống buộc họ phải chấp nhận tăng ca để có thêm tiền trang trải.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.