Tôi là tác giả của bài viết "Lương 10 năm tăng 50%, giá nhà có thể tăng thêm 100%" . Sau bài viết, rất nhiều độc giả lo ngại về việc "Thu nhập của mình bao giờ mới mua được nhà", hay băn khoăn "Tại sao chỉ ở Việt Nam giá nhà mới tăng nhanh, còn các nước phát triển khác lại không?".
Thực tế, việc tăng giá nhà không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà tại các nước phát triển tình hình cũng tương tự. Nếu chỉ xét mức tăng giá nhà thì Việt Nam tăng nhiều hơn. Nhưng, nếu xét tổng thể mức tăng giá nhà so với tiền lãi từ gửi ngân hàng hay mức độ trượt giá của đồng tiền, thì giá nhà tại các nước phát triển thậm chí còn tăng nhiều hơn.
Tăng giá nhà so với tiền lãi từ gửi ngân hàng tại Mỹ, Australia, New Zealand
Giai đoạn 2010- 2020, trung bình giá nhà tại Australia tăng thêm 50% - 80% (nhà giá 350.000 AUD năm 2010 hiện là 600.000 AUD). Giá nhà tại New Zealand tăng 60% - 80% (nhà 300.000 AUD năm 2010 hiện là 550.000 AUD)
Giá nhà tại Mỹ tăng 50% - 70% (nhà 220.000 USD năm 2010 nay có giá 350.000 USD).
>> Bốn năm trả hết nợ mua nhà nhờ đa dạng nguồn thu nhập
Tuy nhiên, tại các quốc gia này, người sở hữu nhà sẽ chịu tiền thuế và phí khoảng 1,5% /năm, trong 10 năm phải đóng 15% giá trị nhà. Vậy "lợi nhuận" thực sự người sở hữu nhà nhận được khoảng 35% - 65% trong 10 năm. Ví dụ, nếu năm 2010 có 200.000 USD và mang đi mua nhà, thì hiện tài sản đã thành 270.000 USD - 330.000 USD.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng tại các quốc gia này chỉ khoảng 1%/năm. 10 năm tiền gửi sẽ tăng giá trị tài sản thêm 10,5%. Ví dụ, cũng là số tiền 200.000$, nhưng đem gửi ngân hàng từ năm 2010 thì giờ sẽ thành 220.000$.
Vậy tại ba quốc gia phát triển (Mỹ, Australia, New Zealand), việc sở hữu nhà đã làm tài sản tăng thêm nhiều hơn từ 3,5 - 6,5 lần so với gửi tiền vào ngân hàng (tăng 70.000 USD - 130.000 USD so với tăng 20.000 USD). Hay nói cách khác, việc tích giữ tài sản bằng cách nua nhà đã giảm sự mất giá của đồng tiền 3,5 lần - 6,5 lần so với gửi tiền ngân hàng.
Việc tăng giá nhà so với tiền lãi từ gửi ngân hàng tại Việt Nam
Tại Việt Nam, giá nhà trong 10 năm giai đoạn 2010-2020 tăng thêm đến 150-250%. Ví dụ ở TP HCM:
- Nhà 42 m2 - cấp bốn tại Hòa Hưng, Q.10 năm 2010 giá hai tỷ, giờ thành năm tỷ đồng.
- Nhà 53 m2 - một trệt hai lầu tại đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh năm 2014 bán 3,5 tỷ không được, giờ giá hơn 8 tỷ đồng.
- Nhà 110 m2 - cấp bốn tại Tây Thạnh, quận Tân Phú năm 2010 giá 1,8 tỷ bây giờ thành 6,5 tỷ.
- Nhà 110 m2 - cấp bốn tại đường Cách mạng tháng Tám, quận 3 năm 2010 mua 4,5 tỷ, giờ định giá ngân hàng riêng phần đất đã là 16,5 tỷ.
- Nhà 71 m2 - cấp bốn tại đường Cách mạng tháng Tám, quận 10 năm 2010 mua 3 tỷ, bây giờ 9,5 tỷ đồng không mua nổi.
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Ba sai lầm chết người khi mua nhà lần đầu
Khác các nước phát triển, hàng năm tiền thuế và phí để duy trì nhà tại Việt Nam chỉ dưới một triệu đồng, xem như không có. Do đó, người mua nhà gần như "bỏ túi" toàn bộ phần giá trị nhà tăng thêm trong 10 năm. Ví dụ nếu năm 2010 có hai tỷ đồng và mang đi mua nhà, thì hiện tài sản đã thành năm tỷ - bằng chính giá trị hiện tại của căn nhà.
Mười năm gửi ngân hàng sẽ tăng số lượng tiền thêm 88% (chỉ nói về số lượng, tạm bỏ qua yếu tố giá trị giảm do tiền mất giá). Ví dụ, cũng là số tiền hai tỷ đồng, nhưng đem gửi ngân hàng từ năm 2010 thì giờ chỉ sẽ có 3,75 tỷ.
Nói cách khác, nếu năm 2010 bạn có hai tỷ đồng (hoặc có thể vay mượn, huy động) để mua nhà nhưng lại không quyết định mua, mà lại để dành gửi tiền vào ngân hàng hoặc ăn xài, mua ôtô, đi du lịch nước ngoài sang chảnh... thì sau 10 năm, cũng căn nhà đó, bạn lại thiếu 1,25 tỷ để có thể mua được do giá nhà đã tăng lên thành 5 tỷ đồng.
Việc sở hữu nhà đã làm tài sản tăng thêm nhiều hơn 1,7 - 2,9 lần so với gửi tiền vào ngân hàng (tăng 3 tỷ thay vì chỉ tăng 1,75 tỷ). Hay nói cách khác, việc tích giữ tài sản bằng cách mua nhà đã giảm thiểu sự mất giá đồng tiền 1,7 lần - 2,9 lần so với gửi tiền ngân hàng.
Vậy, nếu xét tổng thể mức tăng giá nhà so với Tiền lãi từ gửi ngân hàng, việc "hưởng lợi, kiếm tiền" từ nhà tăng giá ở các nước phát triển đang nhiều hơn ở Việt Nam.
Sở hữu nhà thành phố có dành cho tất cả mọi người?
Chắc hẳn bạn đang thắc mắc: "Giá nhà ở đâu cũng luôn tăng cao tăng nhanh như vậy, chẳng lẽ việc mua nhà không dành cho mọi người? Làm sao người nghèo có thể mua được nhà?". Đáng tiếc, điều này là hoàn toàn chính xác.
Chai nước tương cao cấp 200 nghìn đồng một chai, một chai nước mắm "xịn xò" 400 nghìn đồng, cái điện thoại đẳng cấp 20-30 triệu đồng, hay chiếc xe máy 80-100 triệu đồng... dù là những sản phẩm ít giá trị hơn căn nhà rất nhiều, cũng đã không dành cho tất cả mọi người.
>> Tôi trả nợ 3.500 USD mỗi tháng để mua nhà
Do đó căn nhà thành phố - một tài sản của đời người cũng chỉ dành cho những người nỗ lực và xứng đáng. Trong bình diện chung xã hội, người khá (thu nhập trên 20 triệu đồng mỗi tháng) còn chưa có nhà thì người trung bình (thu nhập 10-12 triệu) và người nghèo (thu nhập dưới 7 triệu) sao mua nhà nổi.
So với các nước phát triển khác, trừ khi có sẵn nhà của cha mẹ và được làm việc gần nhà, những người có thu nhập không cao hơn thu nhập bình quân xã hội cũng phải ở thuê cả đời khi lên thành phố làm việc. Đối với những người đã có thu nhập đủ mua nhà, họ cũng không thể để dành đủ tiền mới mua, mà phải chốt giá hiện tại và trả góp tương lai trong 20-30 năm.
Vậy, thay vì nằm than thở và chờ giá nhà quay về phù hợp với thu nhập của mình, hãy giúp mình (hoặc đời con mình) thoát nghèo, thoát trung bình để có cuộc sống tốt hơn.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.