Thông tin được ông Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết tại Hội nghị trực tuyến Hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng thế giới năm 2024, chiều 22/8. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh số ca mắc sởi tăng cao, nguy cơ bùng phát khi đến mùa tựu trường.
Vaccine sởi do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cung cấp, dự kiến thời gian tiêm vào quý 3-4. Hơn 100 huyện có số ca sởi tăng cao nhất được ưu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi đợt một. Giai đoạn hai sẽ triển khai ở những nơi khác sau khi rà soát, đánh giá.
Các chiến dịch trước đây tiêm vaccine sởi cho trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi, tiêm bù tiêm vét cho những người trong 3 năm có dịch Covid-19 không được tiêm đầy đủ. "Chiến dịch lần này sẽ khác, đối tượng tiêm được mở rộng 1-10 tuổi, trừ những trường hợp đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine sởi trước đó", ông Đức nói.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 1.695 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, cao hơn gần 7 lần so cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, 676 trường hợp được xét nghiệm xác định dương tính, tăng 22,5 lần so năm ngoái. Ngành y tế phân loại các trường hợp có triệu chứng bệnh sởi như sốt kèm phát ban nhưng chưa được xét nghiệm dương tính gọi là "ca sốt phát ban nghi sởi". Trường hợp đã được xét nghiệm kết quả dương tính gọi là ca bệnh sởi hoặc ca "xác định dương tính".
Hiện 18 tỉnh, thành nguy cơ dịch sởi gia tăng như Hà Tĩnh, TP HCM, Đồng Nai, Long An, Sóc Trăng, Bình Phước, Kiên Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Đăk Lăk, Tây Ninh... Như TP HCM ghi nhận hơn 500 ca sởi và 3 ca tử vong do mắc sởi trên bệnh nền sẵn có. "Số ca mắc sởi tăng cao, vượt quá trung bình số ca mắc 3 năm trước cùng kỳ, TP HCM đủ điều kiện công bố dịch sởi", ông Đức nói, thêm rằng công bố dịch là do "địa phương quyết định dựa trên đồng thời các căn cứ về khả năng nguồn lực đáp ứng của mình".
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan đề nghị UBND tỉnh, thành xây dựng kế hoạch tiêm chủng bổ sung vaccine sởi - rubella, bố trí kinh phí, nhân lực, trang thiết bị cho tiêm chủng. "Mục tiêu của chiến dịch này là tăng tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh sởi", Bộ trưởng Lan nói.
Bà Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết hàng trăm nghìn trẻ em đã không được tiêm chủng từ năm 2021 do dịch Covid-19, tạo nên sự suy giảm trong tiêm chủng chưa từng thấy. Kết quả là số ca mắc các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine đang gia tăng như bạch hầu, ho gà, đặc biệt là sởi đang lây nhiễm rất mạnh mẽ.
Với các tỉnh thành có những chùm ca bệnh gia tăng nhanh chóng, WHO khuyến nghị công bố dịch để có thể kích hoạt phương án chống dịch kịp thời. Các chuyên gia cũng khuyến nghị tất cả tỉnh thành coi chiến dịch tiêm chủng lần này là ưu tiên hàng đầu.
WHO đầu năm nay cảnh báo sau đại dịch Covid-19 nhiều nước sẽ gia tăng số ca sởi, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, Bộ Y tế có kế hoạch tiêm bù, tiêm vét vaccine cho tất cả 10 bệnh lây nhiễm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, không chỉ vaccine sởi và ho gà.
Lê Nga