Yêu cầu được nêu trong công văn gửi Sở Y tế TP HCM, hôm 19/8. Báo cáo của Sở Y tế TP HCM cho thấy từ ngày 23/5 đến 12/8, các bệnh viện ghi nhận khoảng 600 ca sốt phát ban nghi sởi, xét nghiệm phát hiện 346 ca dương tính. Hơn 50% là bệnh nhân ở tỉnh thành khác đến thành phố khám và điều trị. Trong một tháng qua, 3 trẻ bệnh sởi tử vong, đều mắc những bệnh lý mạn tính kèm sởi dẫn đến biến chứng nặng. Sở Y tế TP HCM cũng đề xuất công bố dịch sởi.
Còn Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) ghi nhận hiện 57 phường xã, ở 16 quận huyện, xuất hiện bệnh sởi. Trong đó, 25% là trẻ dưới 9 tháng tuổi, đa số dưới 5 tuổi. 84% chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ hai mũi vaccine sởi, 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Trước tình hình trên, Bộ Y tế đánh giá bệnh sởi ở TP HCM "đang có diễn biến phức tạp". Do đó, Bộ yêu cầu các cơ sở y tế thu dung, điều trị người bệnh sởi kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong.
Ngoài ra, TP HCM cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó theo mức độ, quy mô của dịch, bao gồm hướng dẫn, quy trình khi có ca nhiễm, nghi nhiễm đến khám; khu vực cách ly điều trị; cách ly tạm thời... Sử dụng đúng phương tiện phòng hộ cá nhân khi chăm sóc, điều trị như khẩu trang N95, áo choàng, găng tay. Tăng cường truyền thông, thực hiện và quản lý tiêm phòng sởi cho trẻ em; kiểm tra, dự trù đủ vaccine.
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng có công văn gửi các địa phương việc chủ động phòng, chống dịch khi học sinh chuẩn bị bước vào năm học. Các bệnh truyền nhiễm được lưu ý đặc biệt là sởi, ho gà, tay chân miệng và một số bệnh hô hấp khác. Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tính từ đầu năm đến nay, số mắc sởi tăng hơn 8 lần, số mắc ho gà tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ 2023.
Sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, dễ dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong.
Theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm (ban hành năm 2007), sởi được xếp vào nhóm B gồm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong, cùng với các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Sởi cũng là một trong 6 bệnh truyền nhiễm được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ngay từ những năm đầu triển khai trong thập niên 1980. Đến nay, sởi vẫn là một trong 11 bệnh truyền nhiễm phải được tiêm chủng bắt buộc đối với trẻ em, gồm mũi thứ 1 tiêm lúc trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 lúc trẻ 18 tháng tuổi.
Lê Nga