Trong bài báo đăng trên tạp chí Nghiên cứu Tàu thuyền của Trung Quốc hồi tháng 11, các kỹ sư thuộc Viện Nghiên cứu Truyền thông Hàng hải Vũ Hán cho hay hệ thống ăng ten hình chữ thập có chiều dài và chiều rộng khoảng 100 km này được xây dựng và vận hành tại miền trung Trung Quốc, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể.
Mạng lưới ăng ten này giống đường dây điện cao thế thông thường khi nhìn từ không gian. Hệ thống được cho là nằm đâu đó trên dãy núi Đại Biệt, thuộc khu bảo tồn thiên nhiên trải dài trên các tỉnh Hồ Bắc, An Huy và Hà Nam của Trung Quốc.
Ở hai đầu của mạng lưới có các mấu đồng được khoan sâu vào núi đá granit, nối với hai thiết bị phát sóng công suất mạnh dưới lòng đất, có thể biến cả Trái đất thành trạm vô tuyến khổng lồ.
Kỹ sư trưởng Zha Ming cùng các đồng nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu Truyền thông Hàng hải Vũ Hán cho biết thiết bị thu sóng ở độ sâu 200 m dưới mặt nước biển có thể nhận được tín hiệu liên lạc từ "siêu ăng ten" cách đó khoảng 1.300 km.
Hệ thống ăng ten khổng lồ này còn có thể duy trì liên lạc dưới nước trong bán kính 3.000 km, đủ sức kết nối với tàu ngầm hoạt động gần đảo Guam, nơi có căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.
Cơ sở này có thể tạo sóng điện từ tần số cực thấp (ELF) 0,1-300 Hz, có thể truyền đi rất xa dưới nước và dưới đất. Thách thức lớn nhất của phương thức truyền tin này là phân biệt được tín hiệu liên lạc với nhiễu cùng tần số xuất hiện trong môi trường tự nhiên.
Trung Quốc phối hợp với Nga để thử xem tín hiệu có thể truyền đi bao xa trong mặt đất. Kết quả cho thấy trạm thu của Nga cách đó 7.000 km nhận được tín hiệu, nhưng do khoảng cách quá xa, các chuyên gia Trung Quốc chỉ liên lạc được một chiều và gửi tin nhắn dạng văn bản được mã hóa.
Các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng ăng ten này có thể giúp tàu ngầm và các thiết bị thông minh, trong đó có tàu lặn không người lái, nhận lệnh hoặc thông tin chỉ dẫn mục tiêu để nhanh chóng hành động trong khi vẫn duy trì khả năng ẩn mình dưới lòng biển.
Do sóng vô tuyến thông thường không truyền được dưới lòng biển, các tàu ngầm thường phải nổi lên mặt nước để nhận và truyền tin theo thời gian định kỳ. Trong thời gian nổi lên để liên lạc, tàu ngầm mất khả năng ẩn mình trong lòng biển và dễ bị đối phương phát hiện.
Hải quân Mỹ từng triển khai dự án Sanguine với ăng ten tần số thấp gắn với mặt đất ở bang Wisconsin để chỉ huy các tàu ngầm trên khắp thế giới. Hệ thống này gồm hai đường giao nhau, mỗi đường dài khoảng 70 km, bắt đầu tạo ra tín hiệu ở tần số 76 Hz từ cuối những năm 1980.
Tuy nhiên, dự án Sanguine bị đình chỉ năm 2005 do không đáp ứng kỳ vọng của quân đội Mỹ. Các chuyên gia nước này sau đó chuyển trọng tâm sang các công nghệ thay thế như kiểm soát bầu khí quyển bằng tia laser để tạo sóng tần số thấp.
Kỹ sư trưởng Zha và các đồng nghiệp cho biết gặp nhiều thách thức khi chế tạo "siêu ăng ten". Để đảm bảo thiết bị nhận ở khoảng cách xa có thể thu và đọc được tin nhắn, sóng vô tuyến phải được tinh chỉnh bằng hàng trăm thiết bị điện tử tiên tiến. Tuy nhiên, tính ổn định của chúng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì trường điện từ cường độ lớn do các máy phát khổng lồ tạo ra.
Nhóm chuyên gia Trung Quốc cho biết họ đưa ra các biện pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề, kết quả thử nghiệm cho thấy cơ sở đáp ứng hoặc vượt yêu cầu thiết kế. Nhóm chuyên gia cho biết ăng ten của Trung Quốc là cơ sở ELF quy mô lớn đầu tiên trên thế giới phục vụ cả mục đích quân sự lẫn dân sự.
Cơ sở này được sử dụng trong một số cuộc khảo sát địa chất nhằm ước tính trữ lượng khoáng sản hoặc nhiên liệu hóa thạch nằm sâu dưới lòng đất. Các chuyên gia cũng dùng ăng ten này để theo dõi những đường đứt gãy đang hoạt động và tính toán nguy cơ động đất ở các thành phố lớn của Trung Quốc.
Nguyễn Tiến (Theo Business Insider)