Đọc bài viết "Bị chê hà tiện nhưng mua được 5 nhà Hà Nội" tôi lại nhớ về người sếp cũ của mình trước đây. Sếp tôi là người nắm trong tay khối tài sản hàng trăm triệu USD, nhưng bữa ăn của ông lúc nào cũng chỉ gồm có cơm trắng, rau luộc, mắm kho quẹt là đủ. Tôi không bao giờ thấy sếp ăn uống sang chảnh, tốn kém.
Một người quen khác của tôi cũng nắm trong tay khối tài sản lên tới cả chục lô đất bao gồm cả bất động sản thừa kế và tự mua, thậm chí có lô giá trị cả 60 tỷ đồng. Nhưng, bà ấy nhất quyết không bán bớt đi để tiêu xài, hưởng thụ cá nhân. Thay vào đó bà cứ để đó và sống một cuộc sống bình thường, yên ả, như bao người thuộc tầng lớp trung lưu khác. Với bà, chỉ quanh quẩn trong nhà, đi chợ nấu ăn (ngon) hàng ngày cho con cháu, là đã đủ vui rồi, chứ không cần phải đi du lịch từ nước này qua nước nọ.
Kể ra hai trường hợp như vậy để các bạn thấy rằng, người không có tiền đa phần luôn nghĩ đến việc hưởng thụ cuộc sống trước mắt, chứ không muốn dành dụm, tích lũy từng chút một cho tương lai. Trong khi đó, nhiều người giàu nứt đố đổ vách lại coi việc hưởng thụ đơn giản hơn nhiều. Họ luôn đề cao sự tối giản và tiết kiệm chứ không phung phí tiền bạc cho những thú vui nhất thời, không đem lại giá trị lâu dài.
>> Chồng tôi làm quần quật nhưng không tiêu đồng lương nào
Cá nhân tôi không biết các bạn sẽ gọi đó là tiết kiệm hay hà tiện, nhưng bản thân vẫn luôn ngưỡng mộ những con người như trên. Với tôi, dù nghèo hay giàu thì tiết kiệm vẫn luôn rất quan trọng và không bao giờ là sai trong mọi hoàn cảnh.
Tôi vẫn còn nhớ, có một lần ghé vào cửa hàng để mua quần áo. Số là tôi cần mua vài cái áo gió mới để mặc. Khi vào xem đồ, tôi thấy có cái cũng vừa ý, nên hỏi giá. Nhân viên cửa hàng báo giá chưa tới 300.000 đồng. Thấy giá khá rẻ nên tôi chột dạ về chất lượng sản phẩm. Tôi đứng tần ngần một hồi lâu để cân nhắc, chưa muốn mua. Trước giờ chưa bao giờ tôi mua áo gió giá dưới một triệu đồng cả, nên thấy rẻ quá thì sợ mặc vài bữa lại hư khóa kéo, rất phiền phức và tốn kém.
Thế nhưng, sau đó, tôi bị người bán mỉa mai rằng "cái áo có 300.000 đồng mà mặt đã tái mét rồi". Nghe vậy, tôi chỉ im lặng rời khỏi cửa hàng đó và không bao giờ quay trở lại. Tôi thà sang một cửa hàng khác, với sản phẩm giá cao hơn nhưng bền hơn để mua. Trước kia tôi tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính nên hiểu thế nào là giá trị của một sản phẩm.
Tất nhiên, để có thể sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua sản phẩm chất lượng, tôi đã phải trải qua một thời gian dài tiết kiệm, tích lũy. Tôi cũng không chi tiền cho những thứ không xứng đáng với giá trị mà nó mang lại. Ở đây, tiết kiệm không có nghĩa là chỉ mua hàng rẻ tiền, mà là lựa chọn những sản phẩm tương xứng với giá tiền của nó, để tránh phải tốn kém thêm những chi phí thay thế, sửa chữa sau này.
- Tiết kiệm 2 triệu mỗi tháng để đầu tư
- 'Tôi phải giảm tiền đi siêu thị từ 5 triệu xuống hai triệu đồng'
- U40 có 5 tỷ tiết kiệm nhưng tôi chọn thuê nhà
- Giám đốc mang cơm đi làm, ăn trong xe hơi
- Tiền ăn chỉ 2 triệu một tháng nên tôi không sợ Tết
- Hành trình tiết kiệm để mua nhà Hà Nội dù lương bèo