"Tôi là người làm công ăn lương, thu nhập trung bình 18 triệu đồng một tháng. Ở tuổi 40, tôi đang vẫn phải dè xẻn trong vấn đề chi tiêu cá nhân, để có tiền gửi cho vợ con và tham gia đầu tư. Bước qua bao thăng trầm cuộc đời, tôi thấm thía tiền không biết bao nhiêu để đủ lo cho gia đình và con cái, bản thân tôi lại không kiếm được nhiều tiền, thu nhập chủ yếu dựa vào công việc làm thuê nên càng phải chắt chiu mới đủ.
Tôi đi làm xa, nên thống nhất với vợ rằng mỗi tháng mình sẽ chỉ giữ lại bảy triệu đồng để chi tiêu sinh hoạt cá nhân, còn lại sẽ gửi về cho vợ để lo cho gia đình. Tôi thắt chặt chi tiêu nên lấy hai bữa ăn trưa và tối làm chính. Còn lại, buổi sáng tôi chỉ uống một hộp sữa hoặc một ly cà phê hòa tan. Nhờ đó, tôi cố gắng bỏ ra hai triệu đồng mỗi tháng để đầu tư.
...Tuy chưa có tài sản lớn nhưng tôi tin nếu mình kiên trì thì sau 5 năm nữa, cuộc sống của tôi sẽ đỡ vất vả hơn bây giờ nhiều. Do đó, tôi khuyên các bạn trẻ nên tìm hướng phát triển tài sản của mình càng sớm càng tốt để sau này cuộc sống dễ thở hơn".
Đó là chia sẻ của độc giả Thuỷ Nguyễn về phương pháp tiết kiệm chi tiêu và đầu tư để gia tăng tài sản trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Thu nhập giảm, khó tích lũy là tình cảnh chung của nhiều người lao động thời điểm hiện tại khi nền kinh tế chưa thể phục hồi. Theo nhiều chuyên gia tài chính tiêu dùng, công thức chi tiêu 75-15-10 sẽ là giải pháp giúp quản lý tài chính linh hoạt hơn. Cụ thể, mỗi người nên dành 75% thu nhập cho nhu cầu thiết yếu (nhà ở, thực phẩm, hóa đơn), 15% cho đầu tư dài hạn và 10% cho tiết kiệm ngắn hạn.
>> 'Tôi phải giảm tiền đi siêu thị từ 5 triệu xuống hai triệu đồng'
Đánh giá cao tầm quan trọng của việc siết chi tiêu để vượt qua giai đoạn khó khăn, bạn đọc Lee Hung bình luận: "Vấn đề chi tiêu tối thiểu của gia đình là như thế nào? Thứ gì tiết kiệm được, thứ gì phải tiêu dùng và tiết kiệm như thế nào cho phù hợp? Các cụ ngày xưa rất hay trong việc 'tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn'. Cho dù thu nhập có tăng gấp bao nhiêu lần đi nữa, thì họ vẫn tiêu dùng ở mức thu nhập cũ.
Tôi học được rất nhiều từ tư tưởng đó. Điện thoại tôi chỉ thay mới khi bị hỏng, vì cái mới cũng chẳng khác là bao khi trong công việc tôi chỉ chủ yếu nghe, gọi, và nhắn tin. Máy tính tôi cũng chỉ cần dùng trong văn phòng nên cũng chỉ mua các dòng máy vừa phải, giá khoảng 5 triệu đồng.
Về ăn uống cơ bản trong nhà, tôi ưu tiên dùng thực phẩm sạch ở quê gửi lên, chịu khó chế biến cho ngon, bổ, rẻ. Với cà phê, tôi chỉ uống loại pha máy và cà phê mộc, chứ không cần thiết vào quán sang chảnh cho lãng phí, tốn kém. Ngoài ra, tôi cũng chỉ mua quần áo mới khi đồ cũ không còn dùng được nữa. Tôi cũng không dùng trang sức, đồng hồ thông minh cũng chỉ cần chạy đủ mấy app cơ bản là được... Tập thói quen như vậy, tôi chẳng cần tài chính cá nhân gì quá cao cũng vẫn có thể sống bình thường được".
- Gói xôi mỗi sáng để thực hiện giấc mơ mua nhà
- Tôi sống kiểu 'quê mùa' dù có nhà, xe hơi
- Sống tiết kiệm nhưng thoải mái nhờ công thức 7-1-1-1
- Sống tối giản để tiết kiệm 70% thu nhập
- 'Lương tháng 50 triệu, tiết kiệm 30 triệu'
- Không dám đi du lịch cho đến khi mua được nhà