Công ty mới chỉ trả lương cao hơn hai triệu đồng nhưng quãng đường đi làm xa hơn, giờ làm việc bất tiện hơn khiến tác giả bài viết Bị sếp phát hiện xin việc ở công ty khác không biết phải xử lý như thế nào.
Hiện đang vào mùa thanh lọc nhân sự và nhảy việc, câu hỏi trên nhận được nhiều quan tâm bình luận của độc giả. Độc giả có nickname iSam, từng làm trưởng phòng nói đây là vấn đề bình thường, nhân viên có quyền tìm hiểu môi trường làm việc khác:
"Tôi từng làm trưởng phòng kỹ thuật, đôi khi tôi biết anh em cấp dưới có dự tuyển vào doanh nghiệp khác, tuy nhiên tôi thấy điều này bình thường. Hoặc tôi sẽ tự kiểm tra bản thân xem trong thời gian làm việc có tạo điều kiện để anh em đó làm việc tốt hay chưa để cải thiện.
Vậy nên bạn cứ yên tâm làm việc đi, đừng lo lắng gì cả. Đã muốn đi thì cứ tìm cơ hội. Còn ngày nào vẫn đang làm việc ở công ty hiện tại thì cứ làm bằng tất cả năng lực. Vậy thôi. Nếu bạn có rời đi thì sau hai tuần chả ai nhớ đến bạn nữa đâu, thô nhưng thật".
Độc giả có nickname tieunho1967 cùng quan điểm: "Tôi là trưởng phòng và khi thấy nhân viên mình apply chỗ khác, tuy hơi buồn vì mất người mình tin tưởng nhưng vẫn luôn động viên các bạn ấy vươn xa hơn. Vì nếu còn làm ở đây thì chưa chắc qua được tôi, còn đi thì cơ hội còn rất xa vả lại lương ở công ty có cố gắng cũng không thể cao hơn chỗ khác đang cần, mà tôi cũng đâu quyết định lương đâu, phải do sếp trên duyệt mà.
Đúng là trước khi đi ai cũng nhắc cũng nhớ nhưng rời công ty thì hai tuần là mọi người quên ngay ấy mà, công việc còn đang làm, ai lại đi nhớ một người đã ra đi đâu mà lo".
Trong khi đó, độc giả có nickname Tiến sỹ Gàn nói rằng để sếp biết được chuyện đi phỏng vấn ở công ty khác, tức là đã bị cho vào danh sách nhân viên "nhấp nhổm":
"Không thể không đề phòng với người đang nhấp nhổm, họ có thể mang đi theo nhiều thứ khác nữa. Và sếp có "đầu tư" vào nhân viên nhấp nhổm thì chỉ là đầu tư ngắn hạn nhằm có thời gian chuẩn bị nhân sự thay thế.
Vấn đề bây giờ là nhân viên phải thể hiện bản thân để lấy lại lòng tin của lãnh đạo nếu còn định ở lại chứ không phải chờ đợi sự níu kéo, nâng đỡ của lãnh đạo".
Độc giả Long Tran:
"Nhân viên "hai mang" kiểu này khó mà chân thành. Phải đứng trên cương vị người trả lương thì mới hiểu được. Với một công việc không khó cũng không dễ thì cơ hội thăng tiến, tính chất công việc cũng như đãi ngộ cũng tương đương nhau, không thể có sự chênh lệch lớn vì giá trị bạn tạo ra là không đổi.
Bằng chứng là công ty kia trả cao hơn hai triệu đồng thì bạn cần phải làm nhiều thời gian hơn. Theo nguyên tắc tuyển dụng thì công ty mới sẽ gọi điện cho công ty cũ để xác nhận những thông tin ứng viên khai trong CV nên sếp bạn biết là điều hiển nhiên thôi, tốt nhất nên xin nghỉ, chứ làm việc kiểu này khó nhìn mặt nhau lắm..."
Độc giả Tuan Hai Tuan Hai đưa ra lời khuyên:
Muốn nghỉ việc thì cũng lên sẵn lộ trình, đang làm công ty này mà xin việc công ty khác ngay trong khi mức đãi ngộ chưa cao hơn nhiều so công ty cũ và đi lại tốn kém hơn.
Công ty tôi cũng có kiểu như thế, báo nhân sự nghỉ việc rồi xếp gặp nâng lương cho lại ở lại một thời gian. Sau xếp tìm được người khác phù hợp thì lại cho nghỉ. Nếu bạn muốn mức thu nhập cao hơn có thể thẳng thắn đề cập với sếp hoặc nhân sự.
Nếu như sếp ok bạn cũng không phải áy náy còn không ok được thì mình cũng có lý do ra đi (với điều kiện là năng lực của mình cũng ổn) còn không thì nhảy việc nhiều cũng hay bị "soi" lắm.
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.