Thuở nhỏ, tôi thường nghe bà ngoại kể câu chuyện về tuổi thơ cơ cực chỉ biết gắn bó với công việc chăn bò ngoài đồng cỏ và những bữa cơm mà trước hay sau khi ăn thì cái bụng vẫn còn đó cảm giác đói cồn cào.
Điều gây ấn tượng mạnh nhất với tôi đó là nhà ngoại tôi có rất đông chị em gái và chỉ có duy nhất một người con trai bị khuyết tật ở chân, tôi gọi là ông cậu, lúc đó chỉ có ông cậu tôi được đến trường học chữ. Đến bữa ăn, ông cố và ông cậu tôi được ngồi bàn trên ăn cơm trắng, còn bà cố và các chị em gái của ngoại tôi đều phải ngồi dưới đất, ăn cơm độn khoai lang, khoai mì.
Từ những câu chuyện của ngoại, tôi bỗng thấy mình thật hạnh phúc khi được đến trường học hành, được ăn ngon mặc đẹp, được những người xung quanh trân trọng, yêu mến. Phải mất khoảng thời gian dài để vị trí người phụ nữ trong xã hội có thể được nâng lên cao hơn.
>> Đàn bà sướng hay khổ không vì tấm chồng
Ở các trường phổ thông và đại học, số lượng các em học sinh, sinh viên nữ tương đương các em nam, được tạo cơ hội học tập, cạnh tranh công bằng. Ở các công ty hay cơ quan, số lượng nhân viên nữ tham gia công việc cũng không kém cạnh nam giới và ngày càng có nhiều người phụ nữ được nắm giữ những vị trí cao, chủ chốt tại các tổ chức trong và ngoài nước. Đây là tín hiệu đáng mừng cho vấn đề bình đẳng giới trong xã hội của chúng ta.
Tuy nhiên, tình trạng bất bình đẳng giới trên thị trường lao động vẫn còn xảy ra. Có hai nhóm nguyên nhân chính khiến cho lao động nữ khó cạnh tranh trên thị trường.
Nhóm thứ nhất có nguồn gốc từ bản chất tư nhiên và lịch sử phát triển xã hội loài người. Trong quá trình tồn tại và phát triển, đặc điểm phái khiến nữ giới được phân công lao động xã hội khác nam giới, họ phải thực hiện nghĩa vụ sinh sản và chăm sóc con cái nên cũng gắn bó nhiều với công việc gia đình và cơ hội bước ra hoạt động ngoài xã hội cũng thấp hơn.
Trải qua một thời gian dài ở vai trò hậu phương, việc được xã hội ủng hộ phát triển sự nghiệp chưa thể khiến người phụ nữ quên mất quá khứ của mình, chính vì thế, bản thân người phụ nữ cũng tự đánh giá thấp sức lao động của mình trên thị trường và dễ dàng chấp nhận công việc với một mức thu nhập thấp hơn so với nam giới.
Ngoài ra, việc phải trải qua giai đoạn sinh sản ở độ tuổi mà sức khỏe thể chất đang phát triển tốt nhất, đem lại năng suất lao động cao nhất khiến lao động nữ đối diện với những bất lợi khi đem ra so sánh với chất lượng lao động nam.
Bên cạnh đó, một nhóm nguyên nhân khách quan khác đến từ các đối tượng tham gia trên thị trường lao động. Quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và sự chuyển hướng của nền kinh tế sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ giúp giải phóng con người khỏi các công việc năng nhọc, đòi hỏi sức mạnh cơ bắp, song song đó, nhu cầu công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế đang tăng lên nhanh khá phù hợp với đặc điểm lao động nữ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp, những người sử dụng lao động trên thị trường vẫn chưa thừa nhận, chưa đánh giá đúng năng lực của lao động nữ và vẫn lợi dụng những điểm yếu vốn có của họ để định mức lương thấp hơn cho đối tượng này. Điều này giúp người sử dụng lao động có được nguồn nhân lực giá rẻ với chất lượng cao nhưng lại không công bằng khi lao động nữ bị mặc định rơi vào phân khúc chất lượng thấp hơn.
Một yếu tố khách quan có tác động gián tiếp làm tăng bất bình đẳng giới trên thị trường lao động đó là văn hóa kinh doanh. Rất nhiều sinh viên nữ sau khi ra trường, đi phỏng vấn xin việc đã nhận được câu hỏi: "Em có thể nhậu được không?" và đây chính là điểm bất lợi mà lao động nữ phải đối diện.
>> Những người phụ nữ không muốn rời khỏi căn bếp ngày Tết
Văn hóa đề cao hoạt động giao tiếp, tạo lập mối quan hệ trên bàn nhậu khiến nữ giới lép vế hơn hẳn so với nam giới. Ngoài ra, dù đã có nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận, cách đánh giá phẩm chất của một người phụ nữ nhưng những rào cản về mặt đạo đức, luân lý xã hội vẫn chưa hết trói buộc họ, đặc biệt là ở những vùng quê nghèo hay đối với dân tộc thiểu số.
Trước đây, khi sống ở quê, tôi đã từng chứng kiến một cô gái bị gia đình và hàng xóm lên án kịch liệt khi quyết định đi học trong lúc đã có một đứa con trai 6 tuổi.
Ở những vùng quê nghèo, một người mẹ quyết định dành nguồn tài chính hạn hẹp của gia đình để lo cho bản thân thay vì chồng con có thể bị coi là vô đạo đức, là không thể chấp nhận được. Chính vì vậy, đôi khi, việc người phụ nữ phấn đấu vì muốn phát triển bản thân mình cũng có thể bị đưa ra phán xét như là một vấn đề đạo đức xã hội.
Có rất nhiều giá trị văn hóa vô hình hay hữu hình vẫn đang níu kéo, khiến bất bình đẳng giới chưa thể thu hẹp lại. Các nguyên nhân chủ quan đến từ đặc điểm hay những suy nghĩ cố hữu rất cần được xóa bỏ thông qua giáo dục, tuyên truyền. Tuy nhiên, những nguyên nhân có nguồn gốc từ lợi ích nhóm hay vấn đề văn hóa kinh doanh lại rất cần có sự can thiệp thông qua các chính sách của Nhà nước.
>> Ghét chồng nhậu nhưng vẫn làm đồ nhắm
Nếu lao động nữ đang bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực hoặc đặc điểm giới đang khiến người phụ nữ đối diện với những bất lợi thì nên có những chính sách ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động nữ với mức lương xứng đáng hơn. Ngoài ra, việc phải thực hiện nghĩa vụ sinh sản vốn là điểm yếu gây giảm chất lượng lao động nữ cũng nên được hỗ trợ bằng những chính sách khuyến khích sự chia sẻ của nam giới trong nhiệm vụ chăm sóc con cái.
Quyền bình đẳng giới không chỉ nên được nhìn nhận dưới góc độ nhân đạo hay vấn đề công bằng cho phái nữ mà còn cần được xem xét dưới góc độ đảm bảo tính hiệu quả cho thị trường lao động.
Chỉ khi lao động nữ được phân công lao động phù hợp với những thế mạnh của họ và được trả mức lương có thể tạo động cơ khuyến khích họ phát huy năng lực, nâng cao tối đa năng suất thì các nguồn lực trên thị trường sẽ được sử dụng hiệu quả, tạo giá trị tối đa thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Hương Giang
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.