Đọc nhiều bài viết về Gen Z gần đây, tôi thấy nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ này bị văn hóa phương Tây ảnh hưởng nhiều theo mặt tiêu cực, đòi hỏi vô lý hơn so với ý thức bản thân và công sức bỏ ra cho công ty. Các Bạn GenZ phần lớn có ý thức làm việc không tốt, thời gian lướt Facebook, TikTok có khi chiếm hai phần ba thời gian làm việc thực sự.
Có bạn bênh vực cho hành động tắt điện thoại sau giờ làm với lý do tái tạo sức lao động. Nhưng thử hỏi nếu công ty có sự cố nghiêm trọng, cần giải quyết gấp, thì ai giải quyết? Hay chúng ta cứ để cho hậu quả xảy ra, cả công ty bị ảnh hưởng, mất việc hết thì tái tạo sức lao động còn có ý nghĩa gì?
Chuyện lương thưởng cũng vậy, nhiều bạn trẻ Gen Z kêu than lương thấp khi mới vào làm việc, sẵn sàng nhảy việc ngay khi không hài lòng với chế độ đãi ngộ hiện có. Cá nhân tôi không thật đồng tình với hành động đó. Bản thân tôi cũng vào làm việc cho một công ty điện máy top 3 Việt Nam với mức lương khởi điểm chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng một tháng. Sau một năm, tôi lên vị trí trưởng phòng Marketing Online, mức lương cũng chỉ khoảng 6-7 triệu đồng.
Tuy nhiên, không vì vậy mà tôi nản chí. Thay vào đó, tôi tiếp tục đưa mảng thương mại điện tử của công ty đạt doanh thu từ 10 triệu đồng lên 4 tỷ đồng một tháng. Sau hai năm, tôi lên chức Giám đốc công ty phụ trách một dự án nhỏ của công ty mẹ. Khi đó, mức lương của tôi cũng chỉ 9 triệu đồng (trong khi lương IT của dự án là 16 triệu đồng).
>> Bất công khi đánh giá 'nhân viên Gen Z không coi ai ra gì'
Nhiều nhân sự vào sau cũng không tin nổi là lương của tôi chỉ có 9 triệu đồng trong khi chức vụ là Giám đốc. Nhưng điều đó cũng không khiến tôi bận tâm. Tôi tiếp tục đưa dự án từ con số "0" lên mức 1 tỷ đồng mỗi tháng. Trong giai đoạn này, một doanh nghiệp có tiếng khác (là đối thủ lớn của công ty tôi) cũng ngỏ ý mời tôi làm dự án mới cho họ, lương thưởng cao hơn hẳn, nhưng tôi vẫn quyết định không qua vì nghĩ mình không thể phản bội công ty hiện giờ (dù người mời tôi qua làm việc là một người bạn rất thân).
Sau sáu năm gắn bó với công ty, thứ lớn nhất mà tôi tích lũy được là rất nhiều kinh nghiệm khi thực chiến (tôi chưa hề nhận được kinh nghiệm từ người cấp trên nào cả mà tất cả đều là tự dấn thân trải nghiệm). Có lúc nghĩ lại, tôi cũng thấy mình có chút sai lầm khi đã đánh đổi cả thanh xuân và nhiệt huyết cho công ty, nhưng họ lại không tôn trọng sức lao động của mình, vẫn trả một mức lương không xứng đáng sau nhiều đóng góp. Ngày đó, nếu tôi nhận lời chuyển qua bên công ty khác thì có lẽ tôi đã giàu lên biết bao nhiêu.
Quả thực, 10 năm là quá dài cho sự cống hiến của một nhân viên với công ty khi bản thân không nhận được chế độ đãi ngộ xứng đáng. Với các bạn trẻ bây giờ, lời khuyên của tôi là các bạn chỉ nên nỗ lực phấn đấu, cống hiến trong khoảng ba năm thôi là đủ. Trong đó, hai năm đầu các bạn có thể đầu quân cho bất kỳ công ty nào để tích lũy kinh nghiệm. Đến năm thứ ba, các bạn cần trải nghiệm và sử dụng kinh nghiệm đó để thực chiến. Còn từ sau đó, bạn hoàn toàn có thể bán kinh nghiệm của mình để đổi lại mức lương và chế độ đãi ngộ mà mình xứng đáng được nhận.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.