Bạn Phạm Xuân Anh nêu vấn đề buộc giáo viên (GV) đọc sách là một góc nhìn chưa rộng. Vậy GV sẽ phải đọc sách gì? Sách đương đại có tư tưởng và phong cách viết khá chênh lệch với sách kinh điển.
Còn sách kinh điển học sinh đọc có hiểu? Ví như đọc "Người cùng khổ" của Victor Hugo, tưởng tượng ra hoàn cảnh thời trước Cách mạng Pháp (1789) là rất khó khăn.
Chí Phèo, Chị Dậu gần chúng ta hơn nhiều mà học sinh, GV còn chưa hiểu nữa là. Nhà văn đương đại Việt Nam tôi chỉ biết có hai người, một là Nguyễn Nhật Ánh viết rất thành công về tuổi teen, và hai là Phạm Minh Tuấn với những tiểu thuyết tình cảm xen lẫn hiện thực phê phán thời trước khi "xóa bao cấp".
>> Làm quản lý, tôi vẫn chăm chỉ đọc sách
Hồi ấy chúng tôi phải chầu chực ở các nhà sách để chờ mua sách mới của họ để đọc. Ngày nay thì sao? Nhà sách ngày càng teo tóp.
Trước kia, một quận ở TP HCM thôi có đến hơn chục nhà sách. Sau đó nhà sách phải bán thêm văn phòng phẩm để bù lỗ cho việc bán sách ế ẩm với người đọc ngày càng thưa thớt dần.
Cuối cùng, tôi chỉ còn biết mỗi nhà sách FAHASA ở trung tâm quận 1 trong đó tiểu thuyết phần lớn là sách dịch chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn, trong cả núi sách chuyên môn, sách tham khảo, sách dạy làm giàu...
Xã hội mất dần thói quen đọc sách và tăng dần hành vi vô văn hóa. Chưa bao giờ nhiều người Việt Nam chúng ta lại tự hào "khoe mình dốt" như thế. Nào là "tôi không biết nghe nhạc cổ điển" nào là "cải lương không còn phù hợp thời đại", nào là "tôi chỉ nghe bolero"...
>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp
Không có người viết sách sẽ không có người viết kịch bản phim, kịch, cải lương... Nghệ thuật loanh quanh chỉ có hài nhảm với lại gameshow.
Sách truyện là cái dễ đọc nhất nhưng không đọc, thì làm sao đọc được sách luật cực kỳ khô khan, đòi hỏi khả năng suy luận và trí tưởng tượng cao trên những câu chữ được viết súc tích ngắn gọn.
Không đọc được sách luật làm sao hiểu luật và tuân thủ luật. Cái này kéo theo cái kia thành một chuỗi dài, ngày càng đi xuống, tệ hại. Muốn GV đọc sách không cần phải ép buộc mà cứ để cho họ xem đó là việc cần phải làm.
Muốn được như vậy, ngành giáo dục phải có tính cạnh tranh. Muốn có tính cạnh tranh phải tư hữu hóa giáo dục. Như vậy, từng ông/ bà hiệu trưởng phải vắt óc tìm mọi biện pháp để trường mình "nổi bật" hơn trường khác.
Muốn trường nổi bật thì GV phải giỏi. GV muốn giỏi phải thường xuyên tự đào tạo trong đó có đọc sách. SGK Ngữ văn phải viết lại vì trong đó chỉ in hầu hết là lý thuyết kỹ năng.
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Sau phần lý thuyết là một loạt tựa sách tham khảo (trước mắt là những sách kinh điển). Học sinh phải đọc một trong những sách đó, đọc cả quyển chứ không phải chỉ trích đoạn như trong SGK cũ.
Muốn học sinh có sách đọc, nhà trường phải có thư viện. Trường trung học đương nhiên không phải chỉ có thư viện, còn có nhiều cơ sở vật chất khác phục vụ cho các môn học khác.
Bây giờ các bạn đã hiểu vì sao học phí học trung học của người ta gần bằng học phí học đại học. Song song với ngành giáo dục, xã hội cũng phải tham gia. Cụ thể là báo chí phải có diễn đàn văn học, bình luận về một tựa sách nào đó do nhà báo đã "duyệt qua" nội dung của nó.
Người đọc tìm mua, đọc và tranh luận với nhau trên diễn đàn (có sự tham gia của các nhà phê bình chuyên nghiệp càng tốt, càng nâng cao được chất lượng tranh luận). Các nhà biên soạn SGK sẽ chọn lấy những tựa sách đương đại được nhiều người yêu thích đưa vào SKG phổ thông.
Các vị nhà văn muốn sách mình bán chạy phải xếp hàng đưa sách của mình cho nhà báo (hoặc nhà phê bình văn học) đọc. Từ đó, hy vọng sẽ khơi lại được ngọn lửa yêu sách đang tàn lụi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.