Ở nhiều nước, rất hiếm chuyện đi làm trái ngành nghề, hay thạc sĩ, kỹ sư đi làm xe ôm công nghệ như ở Việt Nam. Sở dĩ có điều này vì một phần nền giáo dục, xã hội của họ phát triển. Thêm nữa là học sinh, sinh viên của họ đã được trang bị kiến thức tốt nhờ thói quen đọc sách thường xuyên, nên sau khi tốt nghiệp tầm phổ thông hay đại học (như ở nước ta) các em đã biết mình là ai, có khả năng nào và có thể chọn được hướng đi phù hợp với năng lực của mình. Đó là lý do có rất ít có trường hợp học và làm trái ngành, trái nghề, gây lãng phí cho bản thân và xã hội.
Trong thời điểm này, khi học sinh phải nghỉ ở nhà để tránh dịch Covid–19, nhiều trường đã tổ chức học trực tuyến. Những em học sinh có thói quen đọc sách thường xuyên sẽ có kỹ năng tự học tốt hơn. Các em này có thể tự học ở nhà qua sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, qua các khóa học trực tuyến. Sở dĩ như vậy vì các em có thói quen tự đọc sách hàng ngày đã tự hình thành thói quen tự học, tự nghiên cứu.
Khi học trực tuyến, dù không được tương tác trực tiếp với giáo viên nhưng các em cũng vẫn có thể hiểu bài do có các thói quen trên. Ngược lại, những em không có thói quen đọc sách thường xuyên thường không có được những thói quen tự học, tự nghiên cứu nên khi học trực tuyến sẽ rất thụ động, khó khăn.
Qua đó, chúng ta càng thấy tầm quan trọng của thói quen đọc sách hàng ngày. Việc đọc sách hàng ngày có tác dụng như vậy, nên chăng ngoài việc yêu cầu hoàn thành các bài học trực tuyến (nếu có), tại sao nhà trường lại không yêu cầu thêm mỗi giáo viên, học sinh phải đọc 1-2 quyển sách trong những ngày nghỉ tránh dịch?
Xa hơn, chúng ta cũng cần nghiên cứu đến việc sớm ban hành quy định: mỗi năm học hoặc mỗi kỳ nghỉ hè, các giáo viên cần phải đọc bao nhiêu cuốn sách chuyên môn, bao nhiêu cuốn sách văn học, đời sống hoặc tự chọn? Những cuốn sách này có thể được lựa chọn qua sự đóng góp ý kiến của nhiều người hoặc qua những hội đồng chuyên môn uy tín; những cuốn sách tự chọn có thể do sự yêu thích hay do cảm thấy cần phải đọc của người giáo viên đó. Quan trọng là khi đọc xong, mỗi người cần phải viết tóm tắt lại hay ghi cảm nhận về cuốn sách đó trước hội đồng, hoặc có thể làm bài kiểm tra theo nội dung cuốn sách đã đọc.
Song song với quy định bắt buộc đọc sách đối với giáo viên thì Bộ Giáo dục & đào tạo cũng nên đưa ra quy định bắt buộc đọc sách đối với học sinh. Chúng ta có thể học theo Anh hoặc Bỉ: đầu mỗi năm học, các thầy cô sẽ chọn những cuốn sách để yêu cầu học sinh phải đọc. Học sinh trung học ở Anh mỗi tuần phải đọc một cuốn sách, nghĩa là một năm phải đọc ít nhất 52 cuốn (hè cũng phải đọc), đọc xong phải ghi tóm tắt hoặc cảm nghĩ về cuốn sách đó.
Lẽ ra, khả năng tự học của mỗi người phải được hình thành ngay từ khi chúng ta còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông qua những quy định bắt buộc như thế. Tuy nhiên, khả năng này với chúng ta lại thường chỉ được hình thành trên giảng đường đại học. Điều này gây nên sự bất cập, lãng phí. Thay vào đó, chúng ta cần phải vừa khuyến khích, vừa bắt buộc đọc sách đối với học sinh.
Từ những quy định định bắt buộc đọc sách đối với thầy cô và học sinh đó, chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ thầy và trò ham mê đọc sách, một xã hội học tập vì có những công dân ham đọc. Điều này sẽ góp phần quan trọng để nâng cao dân trí. Khi dân trí cao thì những chuyện ấu trĩ, lãng phí kiểu như chuyện thạc sĩ, cử nhân làm xe ôm công nghệ sẽ giảm bớt.
Việc nhiều sinh viên thất nghiệp hay làm trái nghề, việc nhiều cử nhân, thạc sĩ làm xe ôm công nghệ là một sự lãng phí vô cùng lớn của xã hội: lãng phí tuổi trẻ của bao nhiêu người, lãng phí bao tiền bạc của gia đình. Vấn để này cần phải được nâng lên ở tầm quốc gia.
Qua hai vấn đề quan trọng nói trên, chúng ta càng thấy được tầm quan trọng của việc đọc sách hàng ngày. Việc đọc sách ở tầm vĩ mô là góp phần nâng cao dân trí. Ở tầm vi mô, cụ thể thì việc khuyến khích đọc sách của học sinh, sinh viên sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong khi phải học trực tuyến hay tự học ở nhà trong những ngày dịch Covid-19 này. Bởi vậy, chúng ta càng phải quyết liệt hơn trong việc khuyến khích để các em đọc sách thường xuyên. Quy định mỗi học sinh phải đọc một cuốn sách/ tuần là một giải pháp không tồi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.