Phần thưởng Tết đầu tiên của tôi là 200 nghìn đồng và 2 kg thịt lợn. Gọi là phần thưởng Tết cũng đúng vì nhà ở gần chợ, dịp nghỉ Tết năm lớp 11 tôi phụ việc cho sạp thịt heo ở gần nhà. Phụ từ lúc nhà trường cho nghỉ đến khi vãn chợ trưa ngày 30 Tết thì tôi được bà chủ sạp trả tiền công. Ngoài tiền chính, tôi còn được cho thêm 200 nghìn và 5kg thịt, xương và lòng lợn về cho mẹ làm bữa cơm.
Sau này đi làm, tôi cũng nhận được thưởng Tết nhưng nhận bằng tiền. Lúc đầu nhận tiền mặt. Sau này thì chuyển khoản. Tiền chuyển khoản có nhiều hơn nhưng không vui bằng lúc những năm đầu mới đi làm. Ngày còn nhận tiền mặt, chúng tôi xếp hàng, nhận tiền và ký nhận với kế toán. Nhận tiền mặt trên tay là một cái gì đó khó tả. Thành quả sau một năm làm việc là đây.
Năm nay, nhiều người mất việc vì Covid-19 chắc có lẽ sẽ than "buồn quá vì không có thưởng Tết".
Hễ cuối năm, là có tin công ty này thưởng bao nhiêu tháng lương, doanh nghiệp kia thưởng tiền mặt hay ôtô. Rồi mức thưởng cao nhất là bao nhiêu.
>> 'Người Việt cần nghỉ Tết đúng nghĩa'
Dù thưởng Tết chỉ là thỏa thuận riêng chứ không được luật hóa nhưng nhiều người lao động lại xem nó là mặc nhiên, công ty và người chủ phải có nghĩa vụ chi trả.
Cuối năm có thưởng tạo ra tâm lý chủ quan suốt những tháng còn lại. Với người lao động, bao nhiêu dự định chi tiêu, mua sắm cũng trông chờ thưởng và tôi cho rằng đây là một sai lầm. Sai lầm vì với tâm lý ngóng chờ, nhiều người sẽ vung tay mua sắm mà chẳng tiết kiệm được đồng nào.
Người lao động phải có trách nhiệm với tài chính của bản thân, cân đối và tiết kiệm qua từng tháng. Biết cuối năm có nhiều việc phải tiêu thì mỗi tháng phải để dành ra chừng đó tiền, sao lại mặc nhiên gán trách nhiệm đó cho công ty? Nếu doanh thu không tốt họ trả ít, trả bằng hiện vật hoặc không trả lại đâm ra giận dỗi, dọa nghỉ việc?
Chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao lương hàng tháng, để thu nhập của mọi người bình đẳng. Xét một cách công bằng, thưởng tết là một loại biểu kế đo sức khoẻ của doanh nghiệp và sức tăng trưởng của nền kinh tế. Năm nào làm ăn được, thưởng tết nhiều, năm nào kém thì giảm hơn. Đây là áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.
Kẻ khóc người cười cũng vì thưởng Tết, nhưng với những người như giáo viên hoặc nông dân, ai sẽ thưởng Tết cho họ?
Tân Nguyễn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.