Một số độc giả chia sẻ tình trạng nếu xin nghỉ trước Tết, sẽ bị công ty cắt thưởng, đồng thời bày tỏ sự thông cảm với tác giả bài viết Tôi bị mắng ‘vô lương tâm’ khi nghỉ việc sau Tết:
Tôi cũng xin nghỉ trước Tết và báo trước ba tháng để công ty chuẩn bị nhân sự thay thế. Kết quả công ty cắt thưởng, cắt phụ cấp công việc trong bảng lương mới. Tôi cho rằng không nên đặt vấn đề tình cảm vào công việc. Các bạn khi có công việc mới thì báo trước 30 hoặc 45 ngày tùy theo hợp đồng là được.
Có những công ty nếu nộp đơn trước Tết thì cắt thưởng. Tôi thấy cứ theo luật mà làm, không có chuyện vô lương tâm hay không. Công ty tôi có người làm vài chục năm vẫn bị cho nghỉ việc.
Tác giả muốn tìm đến một công ty chuyên nghiệp hơn là đúng. Nếu tác giả chia sẻ ý định nghỉ việc từ trước Tết, anh ấy sẽ không có, hoặc bị cắt, thưởng. Ai cũng tiếc công sức mình bỏ ra đúng không? Đó là suy nghĩ chủ quan. Nhưng khách quan thì người sử dụng lao động cũng có những nỗi thất vọng của họ.
Tuy nhiên, bạn chỉ cần thông báo nghỉ trước 45 ngày (hoặc 30 ngày) và cứ ngẩng cao đầu mà đi bạn ạ, vì cuối cùng thì mình chẳng làm gì sai cả.
Một số độc giả động viên và đưa ra lời khuyên:
Thứ nhất, tiền thưởng Tết là tiền trả cho sự nỗ lực đóng góp của nhân viên trong một năm đó. Nhân viên xứng đáng được (phải) nhận phù hợp với lợi nhuận của họ đã mang cho công ty.
Vấn đề nghỉ việc phải báo trước, điều đó đúng. Nhưng tùy thuộc vào thỏa thuận giữa công ty và người làm công. Nếu họ không có thỏa thuận gì về việc này thì người lao động không gì phải lo lắng cả. Nghỉ đúng luật quy định là được. Nếu có thỏa thuận nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày, mà người lao động không thực hiện thì họ vi phạm hợp đồng và phải tiếp tục làm việc đến khi nào đạt thỏa thuận thời gian như đã ký hợp đồng.
Thứ nhất: Việc bạn nhận mấy chục triệu trước tết đó là thành quả lao động và cống hiến suốt năm qua của bạn, chứ không phải món nợ mà bạn cần phải trả trong năm nay.
Thứ hai: Việc bạn nghỉ sau Tết và thông báo đúng luật, đúng hợp đồng lao động không có gì sai.
Thứ ba : Khi một nhân viên thông báo xin nghỉ việc, đúng ra với một tư cách lãnh đạo, sếp phải tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của sự việc, tránh việc tương tự với các nhân viên khác. Và nếu nhân viên là người mang lại lợi nhuận cho công ty thì ít ra phải cố gắng đàm phán lại chứ không phải nói những từ ngữ mang tính chất khiêu khích.
Thứ tư : Khi bạn là một nhân viên đúng theo nghĩa "nhân viên", luôn cố gắng cho công ty phát triển. Nhưng vì một lý do nào đó phải nghỉ việc như chuyện gia đình, lương bổng hoặc có sếp không tâm lý thì bạn không một vấn đề gì phải quan tâm và áy náy vì những lời nói như vậy.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.