Khác với người lớn, trẻ có thể học bất cứ ngôn ngữ nào thường xuyên nghe và tương tác trong cuộc sống. "Bộ máy học ngôn ngữ tự nhiên" này giúp trẻ hấp thụ ngôn ngữ một cách chủ động. Vì thế, nhiều đứa trẻ sống trong những gia đình cha mẹ nói hai ngôn ngữ (ví dụ bố Mỹ, mẹ Việt) sẽ hấp thụ một cách tự nhiên cả hai và nói đồng thời tiếng Anh và tiếng Việt mà không gặp khó khăn gì.
Ở tuổi tập nói, việc học nói các ngôn ngữ không khác gì học bò, học đi, học chơi đồ chơi... Trẻ sẽ trò chuyện với bố Mỹ bằng tiếng Anh, giao tiếp với mẹ Việt bằng tiếng Việt mà không bị nhầm lẫn. Những đứa trẻ hấp thụ song ngữ ngay từ khi chưa nói rõ như vậy được gọi là trẻ song ngữ đồng thời (simultaneous bilinguals).
Cũng có nhiều đứa trẻ đã nói được tiếng mẹ đẻ, sau đó mới học ngoại ngữ như trẻ trong gia đình cha mẹ người Việt và đi học mẫu giáo tại các trường song ngữ hoặc hơn nữa là các trường học nói tiếng Anh hoàn toàn. Những đứa trẻ này nếu được dạy đúng phương pháp vẫn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh trên lớp với giáo viên và bạn học người nước ngoài sau khoảng 2-3 năm học, và ở nhà vẫn nói tiếng Việt với cha mẹ. Trường hợp này được gọi là trẻ song ngữ thứ cấp (sequential bilinguals).
Trẻ sẽ tiếp tục hoàn thiện cả hai ngôn ngữ trong quá trình lớn lên và học tập, khi vừa giao tiếp, vừa học thêm hàng nghìn từ mới mỗi học kỳ ở cấp độ phức tạp hơn thông qua các môn học, chứ không dừng việc phát triển ngôn ngữ như nhiều người vẫn lầm tưởng. Và cả hai trường hợp này, nếu trẻ tiếp tục được nuôi dưỡng, học tập trong môi trường song ngữ cho đến tuổi trưởng thành thì hoàn toàn có khả năng đạt đến trình độ nói cả tiếng Anh và tiếng Việt như người bản ngữ.
Nhưng những đứa trẻ 13-14 tuổi hoặc lớn hơn mới bắt đầu học tiếng Anh thì sẽ không bao giờ còn cơ hội đạt đến trình độ tiếng Anh tương đương người bản ngữ, dù cố gắng hết sức thì cũng chỉ có thể đạt đến mức gần như người tiếng Anh bản ngữ (native speaker like). Vì lúc này "bộ máy học ngôn ngữ tự nhiên" đã biến mất. Những đứa trẻ bước vào tuổi thiếu niên mới bắt đầu học ngoại ngữ sẽ phải thực sự vật lộn với việc học, không chỉ vì cơ chế thuận lợi trong bộ não không còn mà còn vì sự ảnh hưởng rất sâu đậm của tiếng mẹ đẻ trong phát âm và hình thành câu, còn được gọi là "hóa thạch tiếng mẹ đẻ".
Bắt đầu học ngoại ngữ ở lứa tuổi thiếu niên, trẻ có thể nhanh chóng nắm bắt được các quy tắc ngữ pháp tiếng Anh, nhưng thường xuyên nói và viết sai. Chính việc thường xuyên mắc lỗi khiến trẻ càng ngại nói và viết tiếng Anh, mà chúng chuyển sang xu hướng thích đọc và làm các bài kiểm tra ngữ pháp hơn giao tiếp. Những đứa trẻ học ngoại ngữ quá muộn sẽ thường đối mặt với khó khăn trong việc đọc sách, nghe giảng, hay tranh luận hoàn toàn bằng tiếng Anh nếu vào bậc học cao hơn, dù có thể đạt điểm thi IELTS hay TOEFL tương đối cao và có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh.
Vì bắt đầu học ngoại ngữ muộn, trẻ bị thiếu quá trình tích lũy tiếng Anh theo quá trình phát triển nhận thức trong một số môn học bằng tiếng Anh.
Để khắc phục nhược điểm này, giúp trẻ tự tin học tập ở bậc đại học hay cao hơn trong môi trường tiếng Anh, phụ huynh nên hướng trẻ đọc sách hay học một vài nội dung khoa học mà trẻ thích hoàn toàn bằng tiếng Anh khi đã có đủ nền tảng tiếng Anh cơ bản. Vì việc tích lũy tiếng Anh trực tiếp thông qua các môn học là quá trình nền tảng cho việc học tập bằng tiếng Anh trong tương lai của trẻ.
Những môn học hiệu quả trẻ có thể sử dụng để học bằng tiếng Anh hoàn toàn là Toán học, Vật lý, Địa lý, Lịch sử thế giới và thậm chí là những môn Kinh tế và Tài chính được xây dựng cho lứa tuổi học sinh.
Nguyễn Anh Đức