Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc một chiếc radio mini lại là công cụ hữu ích, thuận tiện và an toàn cho các bậc cha mẹ muốn đồng hành cùng con học ngôn ngữ mới. Thời đại 4.0, smartphone và máy tính bảng đang ngự trị số một trên hệ thống các thiết bị công nghệ trợ giúp trẻ học tập ngoại ngữ. Mới hôm qua đây thôi, tôi còn chia sẽ kinh nghiệm giúp con học tốt tiếng Anh bằng smartphone hoặc máy tính bảng. Hôm nay tôi lại nhận thấy chúng là con dao hai lưỡi thật sự.
Tôi của thời thanh niên, cái thời "như một chén trà", là một người rất chịu khó đầu tư cho tiếng Anh. Tôi học ngành sư phạm Hóa, không cần tiếng Anh trong công việc. Nhưng lý trí mách bảo bản thân rằng khi xã hội càng phát triển, nếu không biết về ngôn ngữ chung của toàn cầu, bạn sẽ bị tụt hậu với người khác một khoảng cách dài. Tôi tích cực đi làm gia sư kiếm tiền để học thứ ngôn ngữ kiêu sa: "tiếng Anh". Sau những ngày miệt mài với bao nhiêu khóa học ở trung tâm, khi mà giáo viên dạy tôi cũng là giảng viên các trường ngoại ngữ có tiếng, cái tôi gặt hái được vẫn là hệ thống kiến thức nặng trĩu về các thì, các kiểu câu và từ vựng.
Cho đến hôm nay, sau hơn mười năm ra trường, trên vai tôi, khối kiến thức ấy đã rơi gần hết, chỉ còn lại lơ thơ vài cọng hiện tại đơn, giới thiệu họ tên, tuổi tác của bản thân. Tôi học tiếng Anh nhiều nhưng hễ gặp một người nước ngoài tôi không nói được câu gì, nếu mạnh dạn nói thì phải phụ họa thêm với ngôn ngữ cơ thể. Tôi có thể xem mình là thế hệ đi trước. Nhưng con cháu và các thế hệ người Việt sau này thì sao? Hãy đừng để bọn trẻ giống tôi trong việc học tiếng Anh, thứ ngôn ngữ đang được sử dụng phổ biến ở mọi quốc gia trên thế giới.
Mới tháng trước thôi, khi mùa hè đến, con gái lớn của tôi kết thúc lớp một. Tôi tìm hiểu và mua cho con gói học tiếng Anh ở nhà bằng cách sử dụng smartphone. Nó khá rẻ, tính tương tác rất cao, hệ thống hình ảnh rất đẹp, giọng nói chuẩn châu Âu và quan trọng nhất là con rất thích học ở phần mềm đó. Tôi thấy được sự tiến bộ rõ rệt của con sau một tháng học theo hình thức này. Lúc đó tôi khá hân hoan với lựa chọn tiết kiệm lại hiệu quả của mình. Tôi còn nghĩ, phương pháp học ngoại ngữ đó sẽ theo con tôi trong nhiều năm tiếp nữa.
Và rồi một người bạn mà tôi mới quen chưa lâu trên Facebook, con cô ấy cũng đang độ tuổi giống con tôi. Cô ấy đã nhỏ vào đầu tôi một "giọt may mắn", giúp tôi ngộ ra một cách thức.
>> Nhiều cha mẹ Việt thích 'lớn' thay con
Tiếng Anh cũng như tiếng Việt. Bạn muốn nói được, hiểu được, bạn cần lặp đi lặp lại việc nghe và nói hàng ngày, càng dành nhiều thời gian càng hiệu quả. Chúng ta tập nói cho con mình khi lên hai như thế nào thì chúng ta hãy đồng hành cùng con trong việc học tiếng Anh như thế ấy. Cũng đừng nóng vội về thành quả bởi đứa trẻ nào muốn nói được ban đầu cũng nói ngọng, cũng vấp lên vấp xuống. Hãy rèn luyện cùng con mỗi ngày rồi đến lúc các bậc phụ huynh chúng ta sẽ thu được trái ngọt vào một ngày đẹp trời nào đó.
Tôi nhận thấy các bà mẹ Việt chúng ta có sẵn thứ quan trọng nhất đó là sự chịu khó và mong muốn con ngày càng tiến lên. Đây chính là điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phương pháp dạy của mẹ và học của con. Tôi không nói chuẩn tiếng Anh nên tôi không nói, tránh ảnh hưởng đến phát âm của con sau này. Chiếc radio sẽ giúp tôi làm điều đó.
Chiếc radio - một thiết bị từ lâu bị phủ bụi thời gian nay trở lại làm một trợ thủ đắc lực trong quá trình dạy con nghe tiếng Anh. Chiếc radio ngày nay khác với chiếc radio của những thế kỷ trước, nó có cổng USB, có cổng thẻ nhớ, có tính thẩm mỹ, quan trọng rất tiện mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Giá thành cho bộ thiết bị gồm có một chiếc radio, một thẻ nhớ, một USB vào khoảng 300 - 400 ngàn đồng.
Sau khi đã có đủ bộ thiết bị, bạn lên mạng tải về các file audio (mp3) tiếng Anh miễn phí về USB hoặc thẻ nhớ rồi cắm vào radio. Con bạn chỉ cần bật lên và nghe đi nghe lại đến thuộc là được. Để củng cố phần vừa nghe xong của con, bạn có thể mua những quyển sách có file nghe ở trên rồi cho con đọc lại nhiều lần, từ nào con đọc chưa được bạn tiếp tục cho con nghe lại file nghe. Mỗi ngày vào một khung giờ cố định bạn tập cho con lặp đi lặp lại như thế để tạo thói quen. Ban đầu con có thể mất 2 giờ cho một ngày, nhưng khi con đã quen thời gian sẽ rút ngắn lại.
Nếu bạn cảm thấy chi phí mua sách cho con quá cao bạn có thể tải file PDF rồi tự mình in ra cho con đọc. Cũng có thể cho con sử dụng máy tính bảng hoặc smartphone để con đọc trực tiếp bài trên đó sau khi đã được nghe nhiều lần từ radio.
>> Tôi không hiểu học sinh học tích phân, lượng giác để làm gì?
Theo kinh nghiệm đúc rút được từ những các cha mẹ đã dạy con thành công trong việc tự học tiếng Anh mà tôi đọc được đó là:
Thứ nhất, hãy cho con nghe thụ động. Đây là một việc làm hết sức quan trọng. Nghe thụ động được nói dễ hiểu là việc mở file audio cho con nghe. Đó có thể là bài hát, câu chuyện hay phim thậm chí là tin tức thời sự. Lúc nghe con có thể vừa chơi vừa nghe, cũng có thể con vừa chạy nhảy vừa nghe. Các bạn cứ bật và không cần quan tâm đến việc con có tập trung nghe hay không? Đừng ép con phải ngồi xuống, phải nhìn vào sách hãy phải đọc theo radio. Cũng đừng hỏi rằng con có hiểu gì về bài đọc đó không?
Mọi việc cứ để tự nhiên, khi con nghe đủ thời lượng thì lúc đó tự khắc con sẽ có phản xạ tiếng anh rất tốt là có thể nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ. Bởi trẻ khác người trưởng thành đó là khả năng bắt chước của trẻ thật là kỳ diệu. Việc của cha mẹ là hãy chăm chỉ, kiên trì bật radio cho con nghe và chờ đợi, không nôn nóng kết quả.
Vậy nghe để làm gì? Việc nghe hàng ngày giúp con quen với cách nói, ngữ điệu, âm tiếng Anh. Tạo một "môi trường" tiếng Anh thường xuyên giống như khi con học tiếng Việt vậy. Và nghe âm chuẩn để hỗ trợ việc nói tiếng Anh chuẩn xác về sau, đây là một điều vô cùng quan trọng.
Và nghe như thế nào? Trước hết là "nghe ngẫm" nghe không hiểu gì cũng được. Nên nghe tối đa 2 tiếng một ngày hoặc ít nhất cũng 30 phút, nhằm làm quen âm tiếng Anh. Đó là hình thức tạo môi trường hoàn toàn tiếng Anh cho con. Sau đó chuyển qua bước "nghe hiểu": nghe và cố gắng hiểu ý chính của bài nghe, sau đó thì bắt chước âm điệu của câu đó để nói.
Dùng tài liệu gì để nghe? Sử dụng các file nghe của các cuốn sách từ đơn giản đến phức tạp. Chọn các file có nguồn gốc rõ ràng. Các file nghe có giọng đọc chuẩn Anh – Anh, Anh – Mỹ. Nếu làm được như vậy, tôi nghĩ bạn sẽ không phải quá đau đầu về những giai đoạn học tiếng Anh tiếp theo của con nữa đâu!
Tôi tin rằng mỗi người mẹ đều là một người thầy, hãy là một người thầy tâm huyết nhất có thể. Luôn tin tưởng rằng mình làm được, chắc chắn bạn sẽ là một người mẹ thành công trên con đường giáo dục thiên thần nhỏ của mình. Chúc các bậc cha mẹ có được nhiều hơn nữa sức khỏe, niềm vui trong quá trình cùng con trưởng thành.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.