"Sách self-help phần nào đó cũng giống như các khóa học dạy làm giàu hay các khóa học chữa lành thôi. Điều quan trọng nhất là bạn nên trở thành một cái phễu thật tốt, chọn lọc những ý tưởng, những lời khuyên phù hợp từ những cuốn sách ấy để hiện thực hóa theo năng lực nội tại bản thân. Còn không, nó sẽ chỉ mang lại cảm giác mát lành hoặc hừng hực xoa dịu bản thân chúng ta trong một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy, hoặc biến chúng ta thành những kẻ ảo tưởng suốt ngày 'biết ơn vũ trụ' mà thôi".
Đó là quan điểm của độc giả AloDeli xung quanh những ngộ nhận về sách self-help. Thất vọng về người khác khi so sánh với những gì sách viết; tin vào những gì sách viết về một viễn cảnh tươi sáng về sự thay đổi của cả thế giới khi ta chỉ cần thay đổi nhỏ; cứ sách bán chạy là sách tốt... là ba ngộ nhận phổ biến của nhiều người đọc sách self-help. Thay vì tìm kiếm thành công ở đời thực, không ít bạn trẻ cứ thế đắm chìm vào thế giới trong sách.
Nói về giá trị của những cuốn sách self-help, bạn đọc Thành Nguyễn phân tích: "Mạng xã hội Việt một thời từng có trào lưu đi sưu tầm và đăng rất nhiều danh ngôn, ngạn ngữ, cách ngôn... Có người một lần đăng vài chục câu, câu nào cũng thấy đúng, nhưng rồi một tuần sau họ quên hết.
Rất nhiều người sống tốt, sống tích cực trong xã hội, thậm chí là người thành đạt những chưa từng đọc qua những câu nói đó. Người tốt hay sống tích cực thì những thứ ấy đã ngấm vào máu, từ trong giáo dục gia đình và nhà trường từ khi còn nhỏ. Rồi qua quá trình sống, học tập và công tác, họ quan sát, học hỏi, đúc rút để hoàn thiện mình hơn. Nhưng về cơ bản, người ta phải có cơ địa cả thể chất và tinh thần khỏe mạnh. Người khỏe mạnh luôn chủ động và nhìn về phía trước.
Có lẽ sách self-help cũng tích cực cũng như những câu danh ngôn kia vậy. Chỉ là nó được diễn giải nhiều hơn mà thôi. Ông cha ta hàng ngàn năm trước có đọc cuốn sách self-help nào đâu mà họ vẫn sống khỏe, sống tốt đấy thôi. Thế nên, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người chứ không phải mấy trang sách".
>> 'Đọc sách, để bớt cử nhân chạy xe ôm công nghệ'
Nhấn mạnh sách self-help chỉ có tác dụng nếu biết đọc và vận dụng đúng cách, độc giả Qui Nguyen nhận định: "Sách self-help như một công cụ thôi miên thực hiện cách hành vi theo một xu hướng có thể đoán được. Bạn càng thực hiện theo những gì sách hướng dẫn, dù có ý thức hay vô thức, bạn càng trở nên dễ đoán và mắc hội chứng FOMO.
Vì bản chất các loại sách đều hướng đến việc đạt được thành công trong cuộc sống hoặc dễ dàng, hoặc thoải mái, hoặc đẩy năng lực người đọc sách lên mức ảo hóa bằng cách sử dụng các loại nghiên cứu ảo như thăm dò, khảo sát, phỏng vấn trong từ vài người đến vài chục người, thậm chí cả ngàn người.
Nhưng bạn nên nhớ, trái đất này có 8 tỷ người với trên 100 quốc gia, hàng ngàn chủng tộc sắc thái... Cho nên, những nghiên cứu ấy chỉ mang tính đại khái và nó sẽ lệch lại với thực tại của bạn ở một mức độ, mà bạn cần có tư duy tốt, từng học và làm nghiên cứu khoa học để nhận dạng 'nửa ổ bánh mì' trong những cuốn sách ấy.
Thông thường thì những người có tư duy chưa tốt, hay đang trong thời kỳ bất ổn (hay vô định hướng) của cuộc đời lại hay tìm đến sách. Và vì thế những cuốn sách đó trở thành những cuốn sách 'best seller'. Không phải vì nó hay mà là vì rất nhiều nhiều người có chung mục đích đang đi tìm câu trả lời mà thôi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Tôi đọc 50 trang sách mỗi ngày
- 'Bác sĩ cũng cần đọc sách văn học'
- 'Đọc sách để đỡ trải nghiệm thất bại'
- Người thành công không đọc sách tạp nham
- Tôi đọc sách nhiều nhưng thiếu trải nghiệm
- 'Đọc càng nhiều sách càng tốt'