(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Nhìn vào sách giáo khoa (SGK) của nước ngoài, ta thấy rất đơn giản. Ngữ Văn chủ yếu dạy ngữ pháp, có ví dụ chứng minh. Phần bài tập, học sinh tự tìm từ hoặc câu tương tự trong bất kỳ sách báo đương đại nào. Phân tích tác phẩm, biện luận theo chủ đề thì tác phẩm, chủ đề do học sinh tự chọn. Học sinh tuổi nhỏ, nhận thức chưa sâu, tác phẩm có bối cảnh đương đại gần gũi với học sinh nhiều hơn tác phẩm kinh điển với bối cảnh xã hội từ cái thời xưa.
Tức là, SGK chỉ hướng dẫn lý thuyết, học thuật, phần ứng dụng do học sinh tự tìm kiếm, tự sáng tạo. Phần tự tìm kiếm, tự sáng tạo này, nhà trường phải trang bị thư viện sách cho học sinh. Muốn văn hay chữ tốt, học sinh buộc phải đọc nhiều sách, không bị đóng khung trong những văn mẫu hoặc trích đoạn văn học.
Để làm được điều này cần giảm bớt thời lượng dạy những thơ văn mẫu trong SGK. Thời gian dư ra để cho học sinh lên thư viện đọc sách. Trên thư viện, trong những quyển sách, sẽ có những từ, những câu học sinh không hiểu và thầy cô sẽ phải giảng giải để học sinh hiểu. Thầy cô chỉ là người hướng dẫn, giải đáp thắc mắc không phải là người chủ động gò ép học sinh theo khuôn mẫu nào.
>> 'Học sinh chỉ cần một bộ sách giáo khoa, quan trọng giáo viên dạy thế nào'
Cái khó, cái tài của người làm thầy là ở chỗ này. Luôn ở trong trạng thái bị động chờ học sinh đặt câu hỏi và giải quyết những câu hỏi ấy một cách tối ưu. Chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay lạc hậu ở chỗ, thầy cô chủ động và học sinh bị động dẫn đến thầy cô giảng như sách, học sinh học như vẹt.
Tương tự với môn Toán. Học các môn khác nhau trong Toán phải có ứng dụng cụ thể. Chúng ta nên đảo ngược lại cách dạy Toán theo hướng hiện đại hơn. Đó là bớt giải toán đi, thay vào là tạo ra đề toán. Cho một loạt dữ liệu cho trước, cần tính toán gì đó để có kết quả nào, học sinh tự tạo ra đề toán và giải những đề toán ấy. Tạo ra đề toán mới là lối tư duy giải quyết vấn đề cụ thể chứ giải đề toán cho sẵn là tình trạng bị động phụ thuộc vào đề toán. Ngày nay chúng ta có máy tính để giải mọi đề toán, như vậy, việc của con người chính là tạo ra đề toán cho máy tính giải. Chúng ta lại đi cạnh tranh cái việc giải toán với máy tính thì thật sự là đi ngược thời đại.
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Đề toán mới là tư duy sáng tạo còn giải toán là tư duy bị động, đối phó tình huống. Ví dụ, một gói sản phẩm có kích thước mỗi chiều là 5 – 10 - 15 cm, trọng lượng 100 gram. Thùng xe tải có kích thước mỗi chiều là 1,5 – 2 – 3 mét, trọng tải xe là 1500 kg. Hãy tính toán thể tích của một thùng hàng chứa 100 gói sản phẩm sao cho xe có thể chở được nhiều thùng hàng nhất mà không vượt quá trọng tải của xe. Đại loại như vậy.
Giáo dục là phải tạo ra con người biết cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề chứ không phải chỉ biết giải quyết vấn đề dựa trên cơ sở ai đó đặt ra vấn đề sẵn. Chúng ta có lập trình gia công, có nền kinh tế gia công là vì người ta cho chúng ta đề toán để chúng ta giải còn cái đề toán ấy dùng để làm gì thì chúng ta không biết. Chỉ khi nào chúng ta tự tạo ra đề toán của riêng mình thì nền kinh tế của chúng ta mới có thể chủ động hơn được.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm