Sau bài viết Giá sách giáo khoa, nhiều độc giả chia sẻ về thời kỳ sách giáo khoa được tái sử dụng sau mỗi năm học:
Thời kỳ của chúng tôi, SGK được chuyền tay từ thế hệ này sang thế hệ khác để sử dụng thông qua trung gian là thư viện của nhà trường. Điều tốt đẹp này đã bị biến mất gần đây khi các nhà quản lý giáo dục liên tục cải cách SGK.
Hai đứa con tôi cách nhau có ba tuổi mà nguy cơ sử dụng hai bộ SGK khác nhau. Tháng tư vừa rồi, khi nhà trường lấy ý kiến của phụ huynh, tôi đã không có ý kiến gì.
Các nhà quản lý hãy đặt địa vị của mình vào đại đa số người dân cả nước, đừng vì lợi ích nhóm của một số ít người mà làm khổ bao người dân, làm lãng phí tài nguyên quốc gia, thâm chí là ô nhiễm môi trường.
Thời của tôi và tôi nghĩ có rất nhiều người cũng vậy, đi học bằng bộ sách của anh chị mình. Cuốn nào mới ra thì bổ sung. Chị tôi giữ sách rất kỹ và đến tôi, sau khi học xong quyển sách vẫn thẳng, chỉ hơi phồng lên vì sách đã mở. Sau khi học xong, tôi còn tặng lại được cả bộ lại cho em nhà khó khăn trong xóm.
Chưa nói đến giá cả bộ sách, chỉ nói đến việc tái sử dụng lại thì đã thấy sau cải cách đã gây lãng phí bao nhiêu. Thời tôi, tôi luôn xem trọng nghề giáo, tôi ngưỡng mộ ngành giáo, và tôi luôn tâm niệm giáo dục thuộc về phạm trù đạo đức, tách bạch với làm kinh tế. Vì nếu làm kinh tế thì làm gì đủ khi học phí thấp, học bổng, chính sách hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn.
Nói chung với tôi, khi ấy, giáo dục là một lĩnh vực, một ngành cao quý. Tôi ra trường, dấn thân vào giáo dục đúng trong giai đoạn cải cách. Phải nói là muôn vàn kiểu cải cách và sau bao nhiêu năm, sau phát động mở của kinh tế thị trường, tôi nhìn lại và chua chát: Đây là thời của thương mại giáo dục.
Cũng như giáo dục bây giờ: Tự chủ tài chính, Nhà quản lý phải làm kinh tế giỏi để phát triển: Doanh nghiệp giáo dục (cách chúng tôi thường gọi những cơ sở đào tạo tự chủ trước kia). Vậy trong doanh nghiệp giáo dục này, còn và sẽ tồn tại bao nhiêu nhà quản lý tâm huyết giáo dục như trước kia? Còn bao nhiêu người trong đó có tiếng nói vượt trên tiếng nói của kim tiền? Một câu hỏi khó và hóc búa dành cho ngành giáo dục.
Độc giả NTB:
Bình mới rượu cũ, chỉ mới chuyển được quyền lựa chọn sách từ Bộ về địa phương, không hơn, không kém. Trong khi đáng ra, quyền lựa chọn thuộc về giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, dù sao đây cũng là một sự khởi đầu. Không có khởi đầu sao chúng ta có thể tiến lên?
Tôi vẫn kỳ vọng chúng ta có thể dựng nên căn nhà mới trên nền móng mới hơn là vừa ở vừa sửa chữa, chắp vá theo dư luận, theo cách làm hiện thời. Nó không chỉ tốn kém mà cũng chẳng được lâu bền, chưa kể còn thiếu đi tính đồng bộ. Khi sử dụng sẽ rất khó chịu và bực bội.
Xây nhà thì điều quan trọng nhất chính là khâu thiết kế và công năng các hạng mục phải thật rõ ràng và ai là người chủ thật sự sẽ sử dụng và vận hành ngôi nhà đó để nhanh chóng thống nhất với kiến trúc sư phương án xây dựng. Một người quyết, một người xây và một người ở thì kiểu gì cũng chỉ là lãng phí. Cuộc sống rồi cũng chẳng đi đến đâu, nhà mới cũng khó chịu như nhà cũ. Có chăng, chỉ giải quyết được khâu oai với thiên hạ, rằng ta cũng có nhà mới, khang trang và đẹp đẽ như ai, mà quên mất rằng, hạnh phúc trong ngôi nhà, mới là điều quan trọng.
Độc giả thu hang: Người viết sách đa phần khi làm đều mang tâm thế muốn đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của thế hệ sau, không đặt nặng đồng tiền. Nhưng bộ sách tới tay học sinh lại được vận hành bằng nhiều tiền mà bản thân người viết sách bất lực, người trả tiền mua sách cũng bất lực.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp