Sách giáo khoa (SGK) không phải là cái để "cầm tay chỉ việc" cho giáo viên. SGK là cái dùng để cụ thể hóa chương trình giáo dục (ta thường gọi là đề cương giáo dục).
Trong đề cương, người ta chỉ nêu học sinh lớp mấy trong thời gian bao lâu phải biết, phải có kiến thức, kỹ năng gì. Còn học cụ thể cái gì thì chỉ có trong SGK.
Nếu có nhiều SGK thì làm sao chọn? Phụ huynh thì 9 người 10 ý trường làm sao dạy? Trường dạy bộ SGK mà phụ huynh không chọn lại nằm gần nhà, trường chọn bộ SGK mà phụ huynh chọn thì xa nhà, phải làm sao?
Một số quốc gia không có SGK vì mỗi giáo viên tự làm một SGK của riêng mình miễn sao bám sát đề cương giáo dục. Theo cách này thì hên xui. Trúng thầy giỏi thì được nhờ, gặp thầy dở thì chịu chết.
Mỗi thầy giỏi một năm chỉ dạy được một số lượng học sinh hữu hạn (vài lớp, mỗi lớp vài chục học sinh) không thể đại trà. Nhiều quốc gia có SGK để chuẩn hóa kiến thức, giáo viên chỉ khác nhau cái phương pháp dạy.
>> Môn Văn cũ kỹ khiến nhiều người thấy sách trăm trang là nhức đầu
Cách này không cần giáo viên phải có trình độ siêu đẳng như cách trên. Giáo viên có nhiều thời gian hơn để nghiên cứu phương pháp dạy riêng cho từng loại học sinh (học sinh tiếp thu tốt, trung bình, kém tiếp thu).
Theo tôi, chúng ta chỉ cần một bộ SGK. Vấn đề không phải là nội dung của SGK mà là dạy như thế nào? Ví dụ như phân tích văn học. Sau khi dạy lý thuyết xong, giáo viên cho học sinh 7 – 8 cái tựa sách để học sinh chọn một trong số đó để làm luận.
Cho hẳn một tháng để đọc và phân tích, cuối tháng nộp bài luận. Bài luận cứ theo barem trên lý thuyết mà chấm điểm. Học sinh có tư duy lệch lạc sẽ bị gọi lên gặp riêng giáo viên để nghe phản biện và có quyền bảo vệ chống phản biện (bảo vệ thành công thì điểm cao, không thành công thì điểm thấp).
Với các bộ môn tự nhiên, xong một bài lý thuyết luôn phải có ứng dụng đi kèm. Ví dụ, dạy trồng cây thì phải dạy chọn giống, làm sao cho hạt giống nảy mầm, làm sao ươm xuống đất để mầm phát triển thành cây non, làm sao chăm sóc và thu hoạch.
Dạy vật lý, chỉ cần hai cái điện thoại có camera có thể đo được tốc độ của mọi loại xe chạy trên đường. Đại loại như vậy. Lý thuyết mà không có ứng dụng đơn giản để thực hành là lý thuyết "chết".
>> 'Chí Phèo ăn vạ, chị Dậu vùng lên' có còn phù hợp?
Ứng dụng phức tạp thuộc về đào tạo đại học thì khỏi bàn. Học mà chơi, chơi mà học là như vậy đó. Để được như vậy, các trường phải để dành quỹ đất để xây thư viện, phòng thí nghiệm, vườn cây, kỹ năng ngoại khóa (nghệ thuật, thể thao) tất yếu dẫn đến giảm số lượng học sinh và tăng số lượng trường học cũng như tăng số lượng giáo viên (số lượng giáo viên hiện nay theo cách cũ là thừa nhưng theo cách này thì thiếu nghiêm trọng).
Cuối cùng chính là tư hữu hóa giáo dục – phụ huynh có khả năng tài chính như nào thì sẽ cho con học trường có tiện nghi tương ứng (chương trình, SGK vẫn không đổi). Còn cứ cào bằng như hiện nay thì phụ huynh giàu không hài lòng còn phụ huynh nghèo thì theo không kịp.
Tương ứng, trường có học phí cao sẽ ưu tiên tuyển giáo viên giỏi và trả lương tương xứng. Các bạn có biết bây giờ nhiều người có tiền cho con cái đi du học ngay từ lớp 10, thậm chí thấp hơn, chả cần đợi đến thi đại học không? Nước ngoài cũng đủ thứ trường học "thượng vàng hạ cám" với mọi mức học phí khác nhau. Tại sao ta không làm như họ?
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm