(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
"Có lần một sinh viên hỏi Clốt Béc-na (1813-1878), nhà sinh lý học người Pháp: Thưa thầy, điều gì là quan trọng nhất trong y học? Những sự kiện thực tiễn! - Ông trả lời rành rọt. Dựa vào những hiểu biết của mình, em hãy cho biết: Ý kiến của Clốt Béc-na đúng hay sai? Thực tiễn có vai trò gì đối với nhận thức?".
Đây là một đoạn được trích trong sách giáo khoa Giáo dục Công dân lớp 10, mà một cô cháu họ có lần đã chụp ảnh gửi sang cho tôi để hỏi bài. Thú thật dù có đọc sách ít nhiều nhưng tôi vẫn đứng hình mất mấy giây vì chưa nhớ kịp Clốt Béc-na là ai.
>> 'Giáo viên tiếng Anh cần có bằng IELTS 6.5'
Viết phiên âm tiếng nước ngoài trong sách giáo khoa tưởng đâu gây lợi nhiều nhưng phiền phức mà nó đi kèm cũng nhiều không kém. Nếu như trước đây, xã hội còn ít người được tiếp cận với ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh, thì kiểu phiên âm Phiđen Cátxtơrô (Fidel Castro), Xan Phranxixcô (San Francisco), Oa-sinh-tơn (Washington)... sẽ có lợi thế ban đầu nhìn vào là đọc được ngay. Nhiệm vụ phổ cập kiến thức cho toàn dân cũng vì thế mà dễ dàng hơn.
Thế nhưng đó là giải pháp của hàng chục năm trước. Còn hiện nay, xã hội đã phát triển, trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm, học sinh có cơ hội tiếp cận với tiếng Anh từ sớm. Ở nông thôn, vùng sâu không có điều kiện đi học trung tâm, nhưng máy tính và điện thoại kết nối internet đã rất phổ biến, giáo viên có thể lên mạng tra cứu cách phát âm rồi dạy lại cho học sinh. Vậy tại sao ngành giáo dục vẫn không chịu sửa cách phiên âm đã lỗi thời và chẳng giống ai trong sách giáo khoa?
>>Tôi phí tiền học hai khóa tiếng Anh tại trung tâm
Giả sử một học sinh chưa cảm thấy thỏa mãn với bài giảng của giáo viên trên lớp, về nhà muốn tìm hiểu kiến thức thêm ở trên mạng, thì sẽ rất khó khăn trong việc tra cứu. Bởi phiên âm rối rắm trong sách giáo khoa chẳng khác nào một ma trận ngôn từ.
Theo tôi, việc trả tên chính chủ, đúng chuẩn tiếng Anh trong sách giáo khoa là một việc làm cần thiết và phải làm ngay. Riêng tôi, sau một hồi tra cứu ngược xuôi, cũng biết được tên gốc của nhà sinh lý học người Pháp đó là Claude Bernard.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.