Bài viết Nỗi niềm sách giáo khoa của tác giả Giáp Văn Dương không đơn thuần chỉ xoay quanh những tâm tư về sách giáo khoa mà đã chạm đến vấn đề cốt yếu nhất là tự do trong giáo dục.
Thứ nhất, để con trẻ có thể tự học (trên một nền tảng nhất định), sách giáo khoa nhất thiết phải tinh giản, lược đi yếu tố hàn lâm, nội dung cần sát thực tế để các em dễ liên hệ, thực hành.
Thứ hai, việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa phải được xã hội hóa. Trong đó, đặc biệt có sự tham vấn của các tổ chức, cá nhân, chuyên gia hàng đầu mỗi lĩnh vực cùng các thầy cô giỏi chuyên môn. Điều này vừa huy động được nguồn trí tuệ- tài chính xã hội, tăng tính cạnh tranh, lại vẫn đảm bảo năng lực tiếp thu của trẻ (vì không ai hiểu trò hơn chính các giáo viên phụ trách chuyên môn).
>> Dạy đánh vần k/c/q là 'cờ' và thái độ phê phán cái mới
Thứ ba, trên nền tảng một khung chương trình chung các trường có thể lựa chọn các bộ sách giáo khoa khác nhau. Nhân tố này không chỉ đáp ứng được sự đa dạng về vùng miền hay trình độ tiếp thu khác nhau ở học sinh, mà còn là chìa khóa tiên quyết để con trẻ tự lựa chọn những gì là phù hợp, tốt nhất trên con đường tự học.
Tự do trong đào tạo luôn là đích đến của mỗi nền giáo dục tiên tiến. Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa không chỉ là nguyên tắc mà có thể xem là một biểu hiện rõ nhất của một nền giáo dục khai phóng. Tôi chia sẻ tâm tư của anh Dương và ủng hộ xu thế này.
>> Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.