Số người muốn chuyển đổi công việc vì bất mãn đang ngày càng nhiều, dẫn đến một xu hướng gọi là "đại khủng hoảng lao động". Trong khi đó, trước bối cảnh kinh tế suy thoái, kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng phải cắt giảm nhân sự để duy trì hoạt động.
Cá nhân tôi cho rằng, khi bạn thấy công việc hiện tại đã quá nhàm chán thì hãy mạnh dạn từ bỏ nó, tìm một hướng đi mới, đặc biệt là nếu như bạn đã dành dụm được một số tiền phòng thân nhất định. Hãy xem thời gian nghỉ việc (hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu có) như một khoảng thời gian để bạn nghỉ ngơi, dưỡng sức, hồi phục lại tinh thần trước khi chuẩn bị cho một công việc mới.
Tôi không có ác cảm gì với những người nhảy việc bởi đó là quyền quyết định của mỗi người. Không ai có thể quyết thay bạn được. Cũng như chuyện các doanh nghiệp sa thải người lao động là điều khó tránh và cần được thông cảm. Thế nhưng, ở đây, tôi muốn đề cập đến một vấn đề khác xung quanh tình trạng nhảy việc, nghỉ việc thăng cao này.
Gần đây, khi ngồi cà phê với bạn bè, đồng nghiệp, tôi thấy nhiều người than vãn rằng doanh nghiệp vừa cho thôi việc nhiều nhân viên, nên những người còn ở lại phải gánh luôn phần việc của người nghỉ việc, trong khi lương không hề được tăng thêm. Vậy, thời gian làm việc của họ phải kéo dài từ 8h cho đến 19-20h mỗi ngày mới hết việc.
>> Đồng nghiệp 'nhây' giờ làm việc
Câu hỏi là đó có phải một hình thức bóc lột sức lao động hay không? Điều đó tùy vào suy nghĩ của mỗi người. Nhưng với riêng tôi, khi tình hình kinh doanh gặp khó khăn người lao động cũng phải chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Giảm lương, giảm giờ làm là điều không thể tránh khỏi.
Nhưng sau khi cho nhân viên nghỉ việc, họ lại buộc những người còn lại phải làm luôn công việc của một hay nhiều người khác, mà không tăng lương là không thể chấp nhận. Đó là một hành động không xứng đáng để người lao động cống hiến, gắn bó với doanh nghiệp. Nếu người lao động càng cam chịu bị giao việc nhiều, doanh nghiệp sẽ càng o ép nhiều hơn nữa.
Tất nhiên, mỗi người thì mỗi quan điểm sống riêng. Nhưng tôi tin rằng cần một sự sòng phẳng trong mối quan hệ giữ người lao động và người sử dụng lao động để đảm bảo công bằng cho cả hai bên.
>>Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.