Sinh thời, lãnh đạo Fidel Castro đã vạch ra tầm nhìn đưa Cuba trở thành cường quốc công nghệ sinh học ở vùng Caribe khi tập hợp 6 nhà nghiên cứu trong một phòng thí nghiệm nhỏ ở Havana đầu những năm 1980.
40 năm sau, quốc đảo này có thể trở thành quốc gia nhỏ nhất thế giới phát triển không chỉ một mà là nhiều loại vaccine Covid-19.
5 ứng viên vaccine đang được phát triển ở Cuba, trong đó hai loại đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối với mục tiêu triển khai rộng rãi hơn vào tháng 5. Nếu thành công, đây sẽ là một kỳ tích về năng lực y tế cũng như quan hệ công chúng của một quốc gia 11 triệu dân đã bị Mỹ đưa trở lại vào danh sách nhà nước tài trợ khủng bố trong những ngày cuối cùng của chính quyền Donald Trump.
Các quan chức Cuba cho biết họ đang phát triển các loại vaccine giá rẻ và dễ bảo quản. Chúng có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong nhiều tuần và chịu được nhiệt độ cao tới 46,4 độ. Những ưu điểm đó khiến vaccine của Cuba phù hợp với các nước nhiệt đới, thu nhập thấp, vốn đã bị các quốc gia lớn, giàu có hơn bỏ xa trong cuộc đua tiêm vaccine.
Giới chức Cuba tuần này cho biết nếu các thử nghiệm Giai đoạn Ba có kết quả khả quan, họ sẽ chuyển sang "nghiên cứu can thiệp" bằng cách tiêm cho hầu hết 1,7 triệu người dân Havana vào tháng 5. Đến tháng 8, họ sẽ hướng tới mục tiêu tiêm chủng cho 60% dân số và những người còn lại sẽ tiêm vào cuối năm.
Nếu đạt được mục tiêu đầy tham vọng này, Cuba sẽ nằm trong số các quốc gia đầu tiên trên thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, thu hút "du khách vaccine" và xuất khẩu lượng vaccine dư thừa mà giới chức tuyên bố có thể đạt 100 triệu liều vào cuối năm nay.
Đối với Cuba, triển vọng đạt miễn dịch cộng đồng này diễn ra vào thời điểm quan trọng. Sau khi Cuba ghi nhận tỷ lệ lây nhiễm tương đối thấp vào năm ngoái, số lượng ca Covid-19 tại hòn đảo này tăng đột biến trong những tuần gần đây, khiến họ trở thành một trong những điểm nóng mới ở Mỹ Latinh.
Giới quan sát cho rằng Cuba đứng trước triển vọng "hái quả ngọt" vaccine Covid-19 nhờ đầu tư cho giáo dục và y tế từ sớm, khiến nước này sở hữu nền tảng công nghệ sinh học ưu tú so với các quốc gia đang phát triển khác, với ít nhất 31 công ty nghiên cứu, 62 nhà máy và hơn 20.000 nhân viên.
Cuba đã phát triển tham vọng vươn lên trong lĩnh vực công nghệ sinh học vào đầu những năm 1980, khi ông Castro, một độc giả trung thành của Tạp chí Y học New England, muốn sản xuất interferon (protein kháng virus) để chống lại dịch sốt xuất huyết.
Ngày nay, Cuba tự sản xuất 8 trong số 11 loại vaccine bắt buộc trong nước và xuất khẩu chúng đến hơn 30 quốc gia. Năm 2017, các thử nghiệm lâm sàng liệu pháp miễn dịch Cimavax của Cuba chống lại bệnh ung thư phổi đã được tiến hành tại Trung tâm Ung thư Toàn diện Roswell Park ở New York.
"Cuba có những phòng thí nghiệm tốt, kể cả theo tiêu chuẩn phương Tây", Amilcar Pérez Riverol, từng là nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở Cuba, hiện làm việc tại Đại học Bang São Paulo ở Brazil, cho biết. "Vấn đề luôn nằm ở những khía cạnh khác, như kết nối Internet hay vật tư và thiết bị".
Các ứng viên vaccine sáng giá nhất của Cuba, Soberana 2 và Abdala, cần tiêm 2-3 liều. "Mức độ miễn dịch mà cả hai loại vaccine tạo ra đều cao", Martínez nói. Ông cho biết các nhà khoa học Cuba đang trong quá trình chuẩn bị dữ liệu lâm sàng về vaccine để công bố quốc tế.
Các nhà nghiên cứu Cuba phải vượt qua nhiều rào cản hơn đồng nghiệp trong các phòng thí nghiệm phương Tây, bao gồm tình trạng thiếu thiết bị, vật tư thay thế và các nguồn cung cấp khác, một phần do lệnh trừng phạt của Mỹ. Franco Cavalli, chủ tịch MediCuba Europe, nhóm các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ nghiên cứu công nghệ sinh học của Cuba, cho biết năm ngoái nhóm đã cung cấp cho Havana thiết bị trị giá 500.000 USD để đánh giá hiệu quả của vaccine Covid-19.
"Đôi khi chúng tôi gặp vấn đề khi mua hàng ngay khi chúng tôi nói với nhà cung cấp rằng khách hàng là Cuba", Cavalli kể. "Sau khi Trump lên nắm quyền, ngay cả ở châu Âu, bất cứ điều gì chúng tôi cố gắng làm cho Cuba đều trở nên khó khăn hơn".
Nếu vaccine thành công, nó có thể trở thành nguồn thu mới quan trọng cho Cuba, quốc gia đang hứng chịu khủng hoảng kinh tế. Nền kinh tế Cuba trở nên tồi tệ hơn sau khi chính quyền Trump thắt chặt lệnh cấm vận lâu năm bằng cách hạn chế kiều hối, giảm các chuyến bay với Mỹ, dừng hình thức du lịch du thuyền đến Cuba và kiềm chế khả năng tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu của nước này. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thể hiện ông sẽ có chính sách ôn hòa hơn với Cuba, nhưng ông chưa có động thái cụ thể nào.
Vaccine cũng có thể tạo cơ hội để Cuba hỗ trợ các quốc gia khác đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, đặc biệt là Venezuela và Iran. Lãnh đạo tối cao Iran hồi tháng một tuyên bố cấm nhập khẩu vaccine Covid-19 do Mỹ và Anh sản xuất, nói rằng chúng "hoàn toàn không đáng tin cậy". Tuy nhiên, các quan chức Iran đã đặt hàng hơn 4 triệu liều vaccine AstraZeneca nhưng không đề cập đến mối quan hệ của vaccine này với Anh trong các thông cáo.
Vài ngày sau, Cuba và Iran cùng thông báo rằng ứng viên vaccine hàng đầu của Havana, Soberana 2, sẽ được thử nghiệm trên 55.000 tình nguyện viên Iran như một phần của thỏa thuận mở rộng quy mô tiêm chủng ở cả hai quốc gia. Phát ngôn viên của Bộ Y tế Iran cho biết thỏa thuận sẽ cho phép chuyển giao công nghệ sản xuất cho Iran và Tehran ước tính có thể sản xuất lên tới 40 triệu liều.
Venezuela cũng ký hợp đồng vaccine với Havana. "Chúng tôi rất tin tưởng vào y học và công nghệ sinh học của Cuba", Ngoại trưởng Venezuela Jorge Arreaza nói vào tuần này. "Điều đó không chỉ có ý nghĩa cho Venezuela mà còn cho cả châu Mỹ. Đó sẽ là giải pháp thực sự cho người dân chúng tôi".
Khi được hỏi về liên minh vaccine của Cuba với Iran, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố rằng "Mỹ ủng hộ triển khai nhanh chóng bất kỳ loại vaccine hiệu quả nào đáp ứng các tiêu chuẩn về hiệu quả, an toàn và chất lượng sản xuất, như một phần của chiến lược quốc gia và toàn cầu để chống lại đại dịch". Tuy nhiên họ cảnh báo rằng "các đánh giá khoa học và quy định chặt chẽ là điều rất quan trọng đối với niềm tin của cộng đồng toàn cầu".
Cuba nói rằng họ sẽ cung cấp vaccine miễn phí hoặc không lấy lãi cho các nước nghèo hơn. Nhưng họ có thể kiếm tiền bằng cách bán cho những nước khác, tương tự như cách họ thu lợi nhuận từ việc điều động đội ngũ y tế, cấp cứu hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến chống Covid-19.
Ronald Sanders, đại sứ Antigua và Barbuda (quốc gia ở Caribe) tại Mỹ, cho biết giá các loại vaccine phương Tây nằm ngoài tầm với của các nước nhỏ hơn, trong khi cơ chế Covax của WHO chưa đủ nhanh.
"Chúng tôi sẽ thiết lập một thỏa thuận song phương với Cuba. Châu Âu, Mỹ và Canada đã mua hết vaccine. Vì vậy, nếu Cuba hoàn thành thử nghiệm và WHO phê chuẩn nó, chúng tôi sẽ chờ đợi để được mua hàng của họ và sẽ rất biết ơn", Sanders nói.
Viễn cảnh hầu hết dân số tiêm phòng và có thể cung cấp vaccine cho du khách có thể giúp Cuba bù đắp sự sụt giảm đáng kể doanh thu du lịch trong thời kỳ đại dịch. Chiến thắng vaccine cũng có thể nâng cao tầm ảnh hưởng ngoại giao của Havana, tạo thiện chí với các quốc gia nhận vaccine của họ, bình luận viên Anthony Faiola và Ana Vanessa Herrero của Washington Post nhận định.
Phương Vũ (Theo Washington Post)