Trả lời:
HPV là virus gây u nhú ở người, có thể lây qua quan hệ tình dục, khi mẹ sinh em bé và qua các vật dụng cá nhân có dính chất tiết sinh dục của người bệnh. Mầm bệnh dễ lây nhiễm khi tiếp xúc da kề da, xâm nhập qua các vết thương như vết rách âm đạo, vết trầy xước ở miệng... Vì vậy, dù quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hay bằng miệng vẫn có nguy cơ nhiễm HPV.
Ở trường hợp của bạn, chúng tôi chưa rõ liệu bạn có bị thương ở miệng trong lúc quan hệ tình dục hay không, do đó chưa thể khẳng định khả năng lây nhiễm chính xác.
Theo CDC Mỹ, HPV lây nhiễm cho khoảng 85% dân số. Trong đó, hầu hết người chưa tiêm vaccine có hoạt động tình dục đều nhiễm virus này ít nhất 1 lần trong đời. Mầm bệnh có thể tồn tại trong cơ thể hàng chục năm mà không có triệu chứng và thường tấn công mạnh những người thường xuyên bị stress, cơ thể suy yếu hay nhiễm siêu vi, có nhiều bạn tình, quan hệ tình dục sớm...
Hiện, 9 chủng virus nguy cơ cao đã có thể phòng ngừa bằng vaccine, hiệu quả bảo vệ lên đến 94%. Vaccine được chủng ngừa cho cả người đã quan hệ tình dục, sinh con. Ở người từng nhiễm, vaccine vẫn có giá trị bảo vệ tình trạng tái nhiễm và nhiễm các chủng khác.
Hiện thế giới hiện chưa có xét nghiệm nào được chấp thuận để sàng lọc HPV ở nam giới. Do đó, tiêm ngừa vaccine kết hợp việc quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy là cách hạn chế lây nhiễm.
Tại Việt Nam, 2 loại vaccine Gardasil và Gardasil ngừa HPV tiêm cho người từ 9-26 tuổi. Gardasil ngừa 4 chủng nguy cơ cao cho trẻ em gái và phụ nữ. Gardasil 9 ngừa 9 chủng nguy cơ cao, tiêm cho cả nam và nữ.
Bạn nên chủng ngừa sớm để hạn chế nguy cơ lây nhiễm, đồng thời quan hệ tình dục an toàn, tránh bị thương, trầy xước ở vùng sinh dục, miệng... Nếu có biểu hiện nhiễm virus như mụn cóc sinh dục, cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị, tránh giấu bệnh gây diễn biến xấu.
Bác sĩ Nguyễn Văn Quảng
Quản lý Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC