BS.CKI Nguyễn Lê Nga, Quản lý Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết nhu cầu chủng ngừa HPV ở giới trẻ ngày càng tăng. Nhiều người tiêm chủng cho bản thân, đồng thời tặng món quà vaccine cho gia đình, người yêu, vợ, chồng. Tuy nhiên, so với dân số chung, tỷ lệ chích ngừa vẫn còn thấp do nhiều người chưa hiểu rõ vai trò của các mũi tiêm hoặc hiểu nhầm về virus.
Tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Mỹ tháng 4/2023, các nhà khoa học đã thảo luận vấn đề nhiều người đang thiếu nhận thức về mối liên hệ giữa HPV và khả năng gây ung thư. 70,2% số người được hỏi trả lời nắm thông tin về mối liên hệ giữa virus và ung thư cổ tử cung, song không biết về các nguy cơ ung thư hậu môn, dương vật, hầu họng...
Ngoài ra, có 7 hiểu nhầm về virus và vaccine được bác sĩ Nga liệt kê, gồm:
HPV lây nhiễm ở những người không chung thủy
Đường lây chủ yếu của HPV thông qua tình dục hoặc tiếp xúc da kề da ở bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, virus cũng có thể lây truyền qua dùng chung vật dụng cá nhân, từ mẹ sang con với nguy cơ thấp hơn; xâm nhập cơ thể thông qua vết trầy xước, tiếp xúc với vật dụng có chứa dịch tiết cơ thể như đồ lót, tiếp xúc với tổn thương như vết loét, chảy máu...
Như vậy, dù quan hệ tình dục chung thủy, mọi người vẫn có nguy cơ lây nhiễm HPV. Virus còn có thể âm thầm tồn tại trong cơ thể nhiều năm mà không biểu hiện triệu chứng. Do đó, việc phát hiện bạn tình nhiễm virus không thể chứng minh người đó ngoại tình.
HPV ít phổ biến, hiếm lây nhiễm
Ngược lại, nhiễm HPV rất phổ biến. Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), cứ 5 phụ nữ 50 tuổi thì có ít nhất 4 người mắc virus tại một thời điểm trong cuộc đời.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổng hợp các phân tích, đánh giá tỷ lệ nhiễm HPV trong dân số nam giới nói chung từ năm 1995 đến 2022, cho biết tỷ lệ lưu hành chung của các chủng virus nói chung trên toàn cầu là 31%; còn nhóm HPV nguy cơ cao là 21%. Trong đó, HPV-16 phổ biến nhất với 5%, sau đó đến HPV-6 với 4%.
Virus chỉ lưu hành ở nhóm trẻ tuổi
Những người quan hệ tình dục đều có thể nhiễm HPV, vì vậy virus có thể xuất hiện ở mọi nhóm tuổi. Tuy nhiên, 80% người trưởng thành khỏe mạnh có thể tự đào thải HPV nên không có biểu hiện bệnh.
Nếu không tự đào thải mầm bệnh, mọi người có nguy cơ mắc các bệnh lý tiền ung thư hoặc ung thư. HPV có thể tồn tại nhiều năm trong cơ thể và lây cho người khác dù quan hệ chung thủy trong nhiều năm hoặc không hoạt động tình dục trong một thời gian dài.
Nhóm LGBTQ+ không bị ảnh hưởng
Nhóm LGBTQ+ dễ nhiễm virus hơn do cách thức sinh hoạt tình dục khác với truyền thống. Thống kê cho thấy, nam giới đồng tính và lưỡng tính có nguy cơ phát triển ung thư hậu môn gấp khoảng 17 lần so với nam chỉ quan hệ tình dục với nữ.
Ngoài ra, quan hệ đồng giới không lo lắng về vấn đề mang thai nên không chú trọng sử dụng bao cao su, khiến nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn hàng chục lần. Cộng đồng nam quan hệ đồng giới (MSM) ít khả năng được hưởng lợi từ miễn dịch cộng đồng do vaccine chủ yếu được nữ giới quan tâm.
Một nghiên cứu do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện trong năm 2018 đối với 400 người thuộc nhóm MSM ở Hà Nội, cho thấy tỷ lệ nhiễm chung và nhiễm các type HPV nguy cơ cao tương ứng là 26,5% và 19,0%.
Vaccine chỉ dành cho nữ giới
Nhiều quan điểm cho rằng vaccine HPV chỉ dành cho nữ giới để phòng ung thư cổ tử cung và một số bệnh phụ khoa, còn nam giới không cần tiêm ngừa. Thực tế, HPV lây nhiễm ở cả nam và nữ, khả năng gây bệnh tương đương đối với cả hai giới.
CDC Mỹ thống kê HPV liên quan tới hơn 42.000 ca ung thư, trong đó khoảng 18.300 nam giới. Trong đó, hơn 90% ca ung thư hậu môn, hơn 60% ca ung thư dương vật và hơn 70% ca ung thư vòm họng là do HPV. Chủng HPV-16, 18 gây ung thư cổ tử cung chủ yếu ở nữ giới và 90% ca ung thư hậu môn ở nam giới.
Vaccine có tác dụng phụ nghiêm trọng, gây vô sinh
Theo CDC Mỹ, vaccine HPV đã được chứng minh an toàn và hiệu quả. Các mũi tiêm ngừa có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ như đau, đỏ hoặc sưng ở chỗ tiêm, sốt, đau cơ, mệt mỏi... với tỷ lệ dưới 10%. Nguy cơ các phản ứng nghiêm trọng rất hiếm gặp, dưới 0,01%.
Vaccine cũng không gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản, ngược lại giúp ngăn ngừa một số vấn đề liên quan đến khả năng mang thai, sinh con vì giảm nguy cơ tiền ung thư hoặc ung thư.
Tiêm vaccine sẽ không bị lây nhiễm virus
Người đã tiêm ngừa có thể được bảo vệ khỏi 94% nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao có trong vaccine. Tuy nhiên, một số chủng virus không có trong vaccine, do đó mọi người vẫn cần phòng bệnh, khám định kỳ và tầm soát các bệnh ung thư để phát hiện nguy cơ sớm.
Theo khuyến cáo, phụ nữ nên thực hiện tầm soát ung thư cổ tử cung từ 21 tuổi trở lên nếu đã quan hệ tình dục. Các xét nghiệm tầm soát bao gồm: tế bào học thực hiện mỗi 2 năm một lần nếu kết quả âm tính; 3 năm một lần với xét nghiệm HPV nếu kết quả âm tính và bộ đôi tế bào học và HPV lặp lại mỗi 5 năm một lần nếu âm tính.
Còn nam giới nên sử dụng bao cao su và tình dục an toàn, tránh quan hệ với nhiều bạn tình cùng lúc. Đồng thời, cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, dinh dưỡng khoa học, vận động thể dục thể thao...
Mộc Thảo