Trả lời:
Mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) là tình trạng xuất hiện tổn thương tại cơ quan sinh dục như âm hộ, hậu môn, dương vật, lỗ niệu đạo, cổ tử cung hoặc ở miệng, họng. Các tổn thương này có dạng u nhú hoặc mụn cóc, hạt cơm, hình dáng tương tự cây súp lơ.
Đây là một trong những bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục do virus Human papilloma (HPV) gây ra, gồm các chủng 6, 11, 16, 18... Bệnh có thể gây biến chứng như vùng u nhú bị tổn thương bị sưng tấy, tiết dịch, loét, dễ chảy máu khi không được điều trị, sau đó diễn tiến thành ung thư hậu môn, vòm họng, cổ tử cung...
Do đó, bệnh mụn cóc sinh dục cần được chăm sóc và điều trị đúng cách càng sớm càng tốt dù ở mức độ nhẹ. Các phương pháp điều trị phổ biến gồm thuốc, đốt điện, liệu pháp lạnh, laser CO2, tăng cường hoặc điều hòa hệ miễn dịch...
Trong đó, một số nghiên cứu cho thấy vaccine HPV có thể điều trị cho người bệnh. Cụ thể, nghiên cứu năm 2019 công bố tại Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, trên 26 bệnh nhân đã tiêm vaccine HPV hoặc được phẫu thuật cắt bỏ mụn cóc, cho thấy 42% (11/26) người bệnh tái phát mụn cóc. Ở nhóm tiêm vaccine, tỷ lệ đáp ứng điều trị hoàn toàn là 60% sau 3 lần tiêm, cho thấy vaccine HPV hiệu quả kiểm soát mụn cóc sinh dục.
Tuy nhiên, hiện chưa có khuyến cáo sử dụng vaccine HPV như một phương pháp đặc hiệu điều trị mụn cóc sinh dục. Bạn có thể tiêm chủng để ngừa bệnh tái phát và hỗ trợ quá trình điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hiện Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC đang có vaccine Gardasil (phòng 4 chủng HPV) và Gardasil 9 (phòng 9 chủng HPV). Gardasil 9 được chỉ định tiêm chủng cho cả nam và nữ trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, không giới hạn yếu tố quan hệ tình dục, hiệu quả bảo vệ lên đến 94%.
BS Phan Nguyễn Trường Giang
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC