Nhiều độc giả VnExpress kịch liệt phản đối quan điểm cho rằng "ăn nhậu giúp việc làm ăn kinh doanh suôn sẻ hơn", đồng thời ủng hộ Nghị định 100 về tăng mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn:
Tôi từng không thích văn hóa ăn nhậu, nhưng vì giao tiếp công việc nên đã luyện uống thuần thục, đôi khi có phần ham nhậu, hàn huyên bạn bè. Và khi nghị định mới ra đời, tôi hoàn toàn ủng hộ. Giảm tai nạn chết người, nỗi đau thương cho nhiều gia đình, giảm lượng tiền đổ vào bia bọt, sức khỏe đảm bảo vì mỗi lần say xỉn là ảnh hưởng đến tận mấy hôm sau. Giảm luôn cái văn hóa làm ăn trên bàn nhậu.
Đây là một tín hiệu vui khi người dân hạn chế bia rượu, bảo vệ sức khỏe, đồng thời hạn chế phương tiện cá nhân. Nếu phương tiện giao thông công cộng phát triển nữa thì hiệu quả tích cực của Luật lại càng được nâng lên. Riêng tôi, mấy ngày qua, dù đi công tác nhiều nhưng số đối tác mời nhậu cũng giảm hẳn nên đỡ phải từ chối mất lòng, thay vì đi nhâu say bét nhè thì chỉ đi ăn rồi về.
Các hợp đồng thỏa thuận trên bàn nhậu thường mờ ám. Sao không đến thẳng văn phòng nhau mà bàn, thuê văn phòng làm gì rồi ra quán nhậu bàn chuyện làm ăn? Nên dẹp hết để xã hội tiến bộ hơn, sức khỏe tốt hơn, ít mập, ít tai biến...
Tôi cũng là người làm kinh doanh, lâu lâu cũng nhậu, nhưng tôi ủng hộ nghị định này, bởi có như vậy thì tư duy người Việt mới thay đổi, thái độ sống sẽ tích cực hơn, và hơn hết nó làm giảm bớt tệ nạn xã hội vì ăn nhâu dẫn đến say xỉn không làm chủ cuộc nói chuyện, mất hạnh phúc gia đình, an toàn giao thông, và làm ảnh hưởng môi trường kinh doanh khi lúc nào cũng vin cho ký hợp đồng phải có giao lưu này nọ. Nó là hệ lụy cho sự phát triển đất nước. Hãy thay đổi để trở thành đất nước văn minh.
Và cũng có nhiều trường hợp ký kết hợp đồng trong lúc ngà ngà say, không tỉnh táo, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Nếu bạn nói vì có "chén chú chén anh" mới dễ làm việc hợp tác thì nó chính những người đó không có khả năng kinh doanh và doanh nghiệp họ không thể hiện được năng lực của mình.
Để chứng minh cho luận điểm trên, không ít ý kiến chia sẻ trải nghiệm thực tế khi nói "không" với chuyện làm ăn trên bàn nhậu:
Tôi cũng làm ăn và giao tiếp với các công ty, có cả công ty nước ngoài mà có cần rượu, bia đâu. Thậm chí, tuyệt đối không tăng hai, tăng ba. Tôi mời khách và cả gia đình họ cũng đi luôn, và thấy vậy rất thân mật, đồng thời cũng tạo cảm giác an toàn với vợ con của đối tác. Quan trọng là thái độ của mình với công việc hợp tác thôi.
Tôi đi làm công ty đã hơn chục năm, chưa từng uống một giọt bia nào, dù công ty của tôi ăn nhậu rất nhiều. Sếp lớn, sếp nhỏ, khách hàng, đối tác mời uống nhưng tôi vẫn từ chối. Ai khinh thì kệ họ, việc mình mình làm, miễn tốt là được. Bạn uống hay không là do bạn, chẳng ai ép được bạn nếu bạn không muốn.
Quan điểm cứ rõ ràng: mình không uống được là không uống, ngồi cùng nói chuyện lấy cốc bia, cốc rượu cụng ly thôi. Uống vì vui chứ cuộc sống đâu hơn nhau cốc rượu để làm gì? Uống được bao nhiêu thì uống thôi. Tôi cũng không uống được, nhưng chưa bao giờ ngại đi tiếp khách. Và các đối tác, từ người làm ăn cùng mình đến những người có địa vị, cũng chưa bao giờ coi thường tôi vì không uống được bia, rượu cả.
Tôi sống ở Canada, người ta vẫn làm ăn bình thường, đâu cần phải nhờ tới rượu, bia mới được. Ăn nhậu riết quen, giờ quay sang đổ thừa. Chẳng có nơi nào mà ăn nhậu khủng khiếp như Việt Nam. Người Nga họ cũng uống rượu, bia kinh lắm, nhưng không hàng quán, vừa mất trật tự vừa mất an toàn như ta cả.
Có ai đổ rượu vào mồm bạn bắt uống đâu? Uống hay không tự mình. Tôi cũng làm kinh doanh, giao tiếp nhiều, khách mời cũng nhiều, mỗi lần đi ăn, tôi có uống đâu mà vẫn giữ hòa khí tốt, mọi quan hệ vẫn ổn. Quan trọng là tự bản thân thôi.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.