Video một nữ tài xế vất vả đánh lái, lùi chiếc ôtô bốn chỗ một đoạn đường ngắn chỉ 30 mét. Dù được một nam nhân viên trực tiếp "xi nhan" và nhiều người khác hướng dẫn cụ thể, người phụ nữ vẫn lóng ngóng trong từng thao tác. Thậm chí, người này nhiều lần suýt đâm cả vào chiếc Mercedes và xe máy đỗ gần đó. May mắn, nam nhân viên đã kịp thời dùng chân mình để cản chiếc xe khỏi gây va quệt.
Mất nhiều phút đồng hồ, với sự nỗ lực giúp đỡ hết mình của người xung quanh, nữ tài xế này mới có thể lùi được xe an toàn để vào chỗ đỗ.
Chứng kiến cảnh tượng này, tôi tự hỏi, với kỹ năng lái xe tệ như vậy, tại sao người phụ nữ kia vẫn dám lái xe ra đường? Nếu đã có bằng lái, vậy việc đào tạo lái xe ở Việt Nam có đảm bảo chất lượng khi để những người tay lái yếu, kỹ năng tệ như vậy vẫn thi đỗ và được cấp bằng? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ngày càng có nhiều những tài xế thế này tham gia giao thông trên đường? Phải chăng đây chính là nguyên nhân dẫn tới những vụ đạp nhầm chân ga gây tai nạn thảm khốc thời gian qua?
Không bàn đến vấn đề nam hay nữ lái xe, bởi bất cứ ai muốn điều khiển ôtô tham gia giao thông đều phải đảm bảo đủ kỹ năng tối thiểu: lùi xe, đỗ xe... Không phải cứ cầm được chiếc bằng lái trong tay là có thể thoải mái nhấn ga lao ra đường. Ở nước ngoài, việc thi lấy bằng lái không hề đơn giản. Ngay cả khi vượt qua quá trình học lái xe căng thẳng, các bài thi khó nhằn để có được giấy phép lái xe, nhiều người cũng chưa dám trực tiếp cầm lái trên đường. Thay vào đó, họ sẵn sàng thuê riêng người hướng dẫn để chạy thử thực tế cho đến khi nào thật thành thạo các kỹ năng xử lý. Đó là lý do khiến việc lái ôtô ở nước ngoài an toàn hơn nhiều so với ở Việt Nam.
Chúng ta vẫn đang đau đầu tìm giải pháp cho vấn nạn tai nạn giao thông, gây nhức nhối dư luận suốt nhiều năm qua. Theo tôi, thay vì cứ mải mê nghiên cứu, tranh luận những biện pháp vĩ mô, hãy bắt đầu điều chỉnh từ những thiếu nhỏ nhất, cơ bản nhất - đào tạo lái xe. Nếu đảm bảo việc học và thi bằng lái được diễn ra nghiêm túc, minh bạch, học thật thi thật, kiên quyết dẹp bỏ nạn "chạy bằng"... khi đó chắc chắn chúng ta sẽ không còn phải chứng kiến những tài xế vụng về thế kia. Đương nhiên, tai nạn giao thông xuất phát từ những lỗi ngớ ngân như đạp nhầm chân ga cũng chẳng có cơ hội xuất hiện trên đường phố.
Điều cuối cùng, tôi hy vọng bản thân những người đang có ý định lái ôtô ra đường, hãy có trách nhiệm với bản thân và cả xã hội. Đừng ngồi sau vô lăng khi bản thân các bạn chưa tự tin với trình độ lái xe của mình. Đó là cách tốt nhất để bảo vệ an toàn cho chính bạn, người thân và cộng đồng.
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.