"Hồ Gươm cũng như phố cổ là nơi mà khách du lịch trong và ngoài thường ghé thăm. Việc hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở khu vực này chắc chắn không chỉ làm sạch không khí, tạo sự thông thoáng cho khu vực nội đô, mà còn cải thiện hình ảnh thủ đô trong mắt bạn bè quốc tế".
Đó là quan điểm của độc giả Chuquy xung quanh đề xuất thí điểm hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm ở Hồ Gươm, vùng phụ cận và khu phố cổ quận Hoàn Kiếm, để cải thiện chất lượng không khí. Cụ thể, cấm lưu thông xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel, ưu tiên ôtô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng tại khu vực phát thải thấp đạt 45-50%, 100 xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.
Đồng tình với đề xuất trên, bạn đọc An An cho rằng: "Hạn chế, tiến tới thay thế hoàn toàn phương tiện chạy xăng dầu là quyết định đúng đắn. Tôi rất ủng hộ Hà Nội sớm triển khai các giải pháp để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí hiện nay. Nên phát triển hệ thống metro, xe điện để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời bảo vệ môi trường".
>> 'Cấm xe máy' nhìn từ đường Lê Văn Lương
Trong khi đó, đặt dấu hỏi vể tính khả thi của dự án, độc giả Binhnguyen thắc mắc: "Nghe có vẻ lý tưởng nhưng thực hiện bằng cách nào mới là vấn đề. Những gia đình sống trong khu vực đó không chuyển sang dùng xe điện thì chúng ta có dám kiên quyết xử phạt không? Theo tôi, muốn làm không khí đỡ ô nhiễm thì chúng ta phải có một giải pháp tổng thể. Không khí, bụi và tiếng ồn lâu nay đâu có đứng im một chỗ".
"Sẽ hạn chế được bao nhiêu xe, mà khu vực Hồ Gươm lại chủ yếu là xe con, lượng khí thải và cuốn bụi ít. Trong khi đó, khu vực nội thành lại ôm trong mình đường vành đai 3, con đường huyết mạch. Hằng ngày, hàng chục vạn xe lưu thông, chủ yếu là xe tải lớn, lượng khí thải hàng ngày rất lớn, cuốn bụi ra xa hàng vài trăm mét đến cả km. Đó mới là nguồn ô nhiễm lớn, rất cần được quan tâm trước tiên", bạn đọc Tancfc phân tích.
Cùng chung suy nghĩ, độc giả Leanhios phản biện: "Mấy ngày hôm nay, quận Tây Hồ là điểm có chỉ số không khí ô nhiễm nhất Hà Nội, mặc dù khu vực này có hồ Tây điều hòa và lưu lượng xe ít hơn các quận khác nhiều. Tôi nghĩ rằng, các phương án trên chỉ giải quyết được mặt hình ảnh giao thông hiện đại và đỡ lôm côm hơn cho thủ đô thôi, còn chất lượng không khí sẽ khó mà cải thiện được trong tương lai gần. Muốn thay đổi được tình hình, Hà Nội cần quyết tâm thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong ít nhất 15-20 năm nữa".
- 'Chưa xây cầu đã đòi bỏ phà'
- 'Cấm xe máy để trả lại vỉa hè cho người đi bộ'
- Cấm xe máy thế nào khi giao thông 'rùa bò'?
- 'Muốn giành lại vỉa hè Hà Nội chỉ còn cách cấm xe máy'
- 20 năm bàn lùi 'cấm xe máy'
- 'Hãy kiên quyết từ bỏ xe máy'