Theo thông tin được Tổng cục Thống kê nêu trong thông cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, tổng tỷ suất sinh năm nay của Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm ngoái (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Hai khu vực báo động là vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, mức sinh tiếp tục xuống sâu (khoảng 1,5 con/phụ nữ). Năm nay, mức sinh của TP HCM là 1,27 con/phụ nữ, thấp nhất nước.
Liên Hợp Quốc cũng cảnh báo đến năm 2500 dân số Việt Nam chỉ còn 3,6 triệu người, bằng số dân tỉnh Nghệ An hiện nay, nếu mức sinh tiếp tục giảm. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải thiện tỷ suất sinh của người Việt trẻ?
Theo tôi, gốc rễ của việc giới trẻ ngày nay không muốn kết hôn và sinh thêm con bắt nguồn từ chi phí nuôi dạy một đứa trẻ quá tốn kém, cộng thêm sự mất bình đẳng trong mối quan hệ giữa vợ và chồng do tư tưởng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn ăn sâu vào tiềm thức.
Cứ hình dung một người phụ nữ có học thức và công việc tốt, đang tận hưởng cuộc sống tươi đẹp, không bị gò bó, hay phụ thuộc vào ai, giờ bỗng nhiên lấy chồng và phải chịu cảnh từ bỏ sự nghiệp, sở thích cá nhân, mang nặng đẻ đau, thiệt thòi đủ điều. Ấy vậy mà họ không nhận được bất cứ một sự cảm thông, chia sẻ nào của chồng và gia đình chồng.
Nếu tiếp tục cam chịu cảnh đó, họ sẽ chẳng thể gọi là sống một cách đúng nghĩa. Trong khi nếu quyết định ly hôn, họ sẽ phải một mình nuôi con, ít có cơ hội quay lại thị trường việc làm do tuổi cao, sức khỏe sa sút và quỹ thời gian eo hẹp.
>> Nuôi con vất vả trong thời buổi 'lười đẻ'
Chi phí nuôi dạy một đứa trẻ hiện nay rất vô cùng nhưng nhìn chung là cực kỳ tốn kém, chưa kể nếu có hai đứa con trở lên lại càng khó hơn. Bạn không thể cho đứa đầu học trường quốc tế, rồi đứa sau phải học trường công vì hết tiền được. Ngoài ra, xu hướng hiện đại bây giờ là ít con cái chịu sống chung với cha mẹ. Thế nên, người trẻ lại càng tốn thêm tiền nhà, tiền cưới xin, tiền xin việc hoặc học lên cao, do tỷ lệ thất nghiệp cao, cạnh tranh gay gắt vì nhiều công việc đã được tự động hóa.
Theo tôi, thưởng ngay một khoản tiền không phải là giải pháp lâu dài để cải thiện tỷ suất sinh ở Việt Nam. Muốn người trẻ yên tâm sinh nhiều con, chúng ta cần phải có cơ chế hỗ trợ dài hạn hơn, đến khi đủ 16-18 tuổi. Tiền chu cấp cũng cần tăng thêm nếu ai đẻ hai con trở lên. Bên cạnh đó, cũng cần tạo thêm công ăn việc làm để người trẻ đảm bảo về mặt thu nhập, tài chính, tự tin nuôi dạy con cái.
Tiếp nữa là việc tăng cường tuyên truyền nói không với tư tưởng "trọng nam khinh nữ", tạo điều kiện hết mức cho phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ, như: tăng thời gian nghỉ thai sản không lương, không được đuổi việc với phụ nữ có con nhỏ, hỗ trợ việc làm cho phụ nữ đi làm lại sau sinh, quy định trách nhiệm của người chồng trong gia đình... Có như vậy, mới mong thay đổi được xu hướng sinh ít con như hiện nay.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.