"Ngày tôi còn bé (khoảng những năm 1980), tham gia 'Kế hoạch nhỏ' bằng những chồng báo cũ của ba đọc hàng ngày, cộng với đống vở cũ của năm học trước (trừ những cuốn muốn giữ lại làm kỷ niệm). Chỉ được 5 kg thôi là tôi đã hớn hở. mang đi nộp.
Ngày nay, con người không còn xem báo giấy, tập sách cũ cũng chỉ được 1-2 kg, nên cha mẹ lại đành phải đi mua lại giấy vụn để cho đủ 10 kg theo tiêu chuẩn, cho con mang đi nộp cho 'bằng bạn bằng bè'. Kẻo không, con sẽ không được xếp loại này nọ. Điều đó khiến tôi rất trăn trở.
Thứ khiến tôi tâm tư ở đây không phải là tiếc số tiền phải bỏ ra để mua giấy vụn cho con nộp 'kế hoạch nhỏ', mà là việc học sinh sẽ không học được gì từ phong trào này nữa. Cha mẹ tốn tiền mua lại giấy vụn, các đầu nậu thì gom giấy, bó sẵn thành từng lốc 10 kg để bán kiếm lời, cái vòng luẩn quẩn ấy cứ thế lặp lại năm này qua năm khác.
Vậy mà cuối năm, nhìn vào danh sách học sinh được khen thưởng về phòng trào Kế hoạch nhỏ, tôi rất ngỡ ngàng khi nhiều em nộp được tận 30-50 kg... Người ta chạy theo thành tích như vậy, con tôi không thể bì lại được".
Đó là chia sẻ của độc giả Dunghoangtri xung quanh câu chuyện đối phó với 'kế hoạch nhỏ' của nhiều phụ huynh hiện nay. Nhiều trường học ở Hà Nội đang phát động phong trào Kế hoạch nhỏ. Có nơi yêu cầu mỗi học sinh nộp đủ 2 kg giấy vụn, em nào thiếu phải gọi phụ huynh mang đến. Còn không, học sinh sẽ phải nộp phạt 50.000 đồng/kg. Sau gần 70 năm hoạt động, nhiều người cho rằng phong trào Kế hoạch nhỏ đã không phù hợp với thực tế, nên muốn bỏ hẳn.
Bạn đọc Dinhnx bức xúc: "Phong trào này đến nay nên bỏ hẳn vì không phù hợp nữa. Các gia đình bây giờ ở chung cư, diện tích nhỏ, chỗ đâu mà tích lũy những thứ này? Chưa kể, phải phát động trước nửa năm may ra mới thu gom đủ số lượng theo yêu cầu. Thêm nữa, báo giấy bây giờ ít người mua và đọc, vậy lấy đâu ra giấy để nộp? Các bố mẹ giờ cũng làm việc trên máy là chính, có giấy tờ lích kích như xưa nữa đâu?
Tóm lại, giờ còn huy động thu gom phế liệu kiểu này nữa thì không phù hợp. Nhà trường, đoàn thể nên chuyển sang nhiều hoạt động bổ ích hơn. Ví dụ, có thể cho các em đi xem bảo tàng hay đi nhặt rác, duy trì tập thể dục thường xuyên... Chứ như bây giờ, các gia đình bí quá toàn phải đi mua phế liệu lại để nộp, mất hết ý nghĩa của phong trào. Đề nghị xem xét lại và nên chuyển hướng hoạt động cho phù hợp hơn".
"Nếu muốn duy trì thì phải có mục tiêu (để làm gì) và có kế hoạch từ đầu năm, thu gom dần, nhà trường có kho để các cháu thu gom và đóng góp mỗi tuần (nhà các cháu cũng không có chỗ để nhiều, nên gom mỗi tuần). Làm cái gì cũng phải thực tế và mang tính giáo dục, chứ không phải kiểu tuần này hò, tuần sau gom. Rồi gom xong, tiền đó để làm gì các con cũng chẳng biết thì chỉ thêm mệt mỏi, áp lực lắm, và bức xúc", độc giả Hồng Anh Nguyễn Thị nói thêm.
>> 'Kế hoạch nhỏ, phiền phức to'
Trong khi đó, với quan điểm trái ngược, bạn đọc Đọc cho rằng không nên bỏ hẳn phong trào Kế hoạch nhỏ: "Đây là một phong trào rất hay, lâu đời và rất văn minh, rất hợp sự phát triển của thời đại. Ý nghĩa của nó là giáo dục học sinh bảo vệ môi trường, tăng cường tái chế - điều mà ngay bây giờ phương Tây cũng tích cực tuyên truyền và hành động.
Tại sao chúng ta không nghĩ cách điều chỉnh hành vi của con người mà lại đi thay đổi sự việc? Tai nạn giao thông cũng đổ do đường sá sao? Phong trào tốt nhưng bị bệnh thành tích nên cũng đòi bỏ luôn phong trào sao? Bao giờ chúng ta mới chịu nhìn nhận khách quan rằng 'nếu con người làm tốt thì mọi việc sẽ tốt; còn con người xấu thì việc tốt cũng thành xấu'".
Nhấn mạnh giá trị của phong trào Kế hoạch nhỏ, độc giả Dinhthienchienthan nêu quan điểm: "Thay vì thu gom phế liệu các thứ linh tinh, sao không dùng các cách thức khác? Ví dụ, có thể cho trẻ mầm non và tiểu học sáng tạo các tác phẩm hội họa của mình, rồi đem đi đấu giá giữa các phụ huynh để thu tiền quyên góp. Làm vậy vừa tạo sự hứng khởi sáng tạo vừa mang lại niềm vui khi các con thấy giá trị của bản thân.
Ngoài ra, các hoạt động thể thao cho học sinh, bán vé vào cửa cho phụ huynh cũng là một cách làm hay. Giá trị vé có thể không nhiều, nhưng khi có phụ huynh đến theo dõi thì các con sẽ rất vui và hăng hái trong hoạt động của bản thân. Còn đã là kế hoạch nhỏ mà còn yêu cầu, bắt buộc, và phạt thì có tác dụng gì đối với các con? Kế hoạch nhỏ không lỗi thời, nhưng cách làm của giáo viên thì máy móc, phản tác dụng'.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Buổi lễ tri ân thầy cô cầu kỳ
- Tri ân thầy cô bằng phong bì hay hiện vật?
- 'Tôi lo học sinh mất động lực khi bỏ xếp hạng theo điểm số'
- 'Cào bằng học thể dục'
- Những điểm 10 học bạ rỗng tuếch
- Cha mẹ có sai khi khoe giấy khen, bảng điểm của con cái?