(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Thứ sáu vừa rồi, khi đưa con đi học, tôi nhìn cảnh một người mẹ đút cho cậu con trai (tầm 7-8 tuổi) đang ngồi trên yên xe máy, mắt chăm chú vào cái điện thoại đang cầm trên tay ăn bữa sáng một cách kiên nhẫn. Tôi bỗng nhớ lại một bình luận có nội dung đại loại là "giáo dục và gia đình nước ta đang tạo ra một bộ phận lớp trẻ không đam mê học tập, lười lao động, thích hưởng thụ và ảo tưởng về bản thân" trong bài tôi viết năm 2019: "Cha mẹ Việt nên đẩy con ra đường làm thêm từ lúc còn đi học ".
Mấy ngày trước, tôi đọc được câu chuyện về một người phụ nữ tuổi ngoài năm mươi phải đi "năn nỉ" quản lý một quán cà phê để được làm nhân viên rửa ly, mặc dù trước đó chị từng là trưởng bộ phận trong một khách sạn (nhưng bị mất việc do dịch Covid-19). Theo chị tâm sự, con của chị mặc dù đã 24 tuổi, tốt nghiệp đại học nhưng không chịu đi làm vì chưa có công việc phù hợp, và không chịu làm những công việc "hạ đẳng".
>> Bài viết cùng tác giả:
>> Chạy xe ôm công nghệ, thanh niên bị 'cướp mất' sức khoẻ và thanh xuân
Tuần trước, khi đang bơm bánh xe tại "tiệm bơm vá xe" của ông chú già nằm chiếm một góc nhỏ trên vỉa hè đầu ngõ, một anh trai tuổi ngoài 35 chạy đến nói trỏng: "Ông già, cho mấy chục ăn sáng coi, đói quá nè". Ông chú già tiều tụy miểng lẩm bẩm mấy câu nhưng vẫn móc túi đưa đứa "con thơ" 50.000 đồng. Đứa con giật vội mấy tờ tiền rồ ga chạy xe đi mất. Ông chú già sau khi bơm xe tôi xong quay lại ăn tiếp ổ bánh mì không và ly cà phê sữa đang ăn dở.
Có một lần nọ, khi đang đi trên đường tôi còn chứng kiến cảnh một người mẹ gồng mình đẩy bộ chiếc xe máy hết xăng trong khi đó đứa con trai tầm 10 tuổi vẫn ngồi yên vị trên yên xe với nét mặt vô cùng vui tươi bình thản như không có chuyện gì xảy ra.
Con trai tôi 8 tuổi, đang học lớp hai. Tôi không cho cháu đi học thêm, kể cả tiếng Anh. Dù tôi biết cháu có thể không được cô giáo quan tâm như những bạn đi học thêm, nhưng điều đó không làm tôi lo lắng. Tôi muốn con tôi được chơi nhiều hơn khi cháu là học sinh tiểu học.
Tôi rất không đồng tình với thực trạng giáo dục hiện nay, rất nhiều cháu bé phải đi học thêm ngay từ lớp một và kéo dài mãi đến hết những năm phổ thông. Điều này tạo ra những thế hệ bị nhồi nhét một đầu đầy chữ nhưng kỹ năng sống gần như bằng không.
>> Chừng nào còn làm may mặc, lắp ráp công nhân Việt còn nghèo
Tôi từng đến phòng trọ của các bạn sinh viên tỉnh lên thành phố học tập, những căn phòng hôi hám, bẩn thỉu không được vệ sinh vì không có ai dọn. Ăn uống thì đi ra tiệm hoặc thậm chí yêu cầu shipper mang đến tận phòng. Thực trạng đáng buồn là một phần lớn sinh viên cao đẳng, đại học hiện nay không biết làm gì ngoài việc đến trường (đến trường chứ không phải học), cày game online và lên mạng xã hội.
Thực sự, tri thức là điều rất quan trọng cho một xã hội phát triển. Nhưng đồng hành với nó phải là thái độ và kỹ năng sống của thế hệ trẻ. Mong sao các bậc phụ huynh, những người làm giáo dục lưu tâm đến những điều này để xã hội có những thế hệ trẻ giỏi về tri thức nhưng cũng phải có thái độ sống phù hợp dám nhiệt huyết, dám dấn thân vì điều chắc chắn là chúng ta không thể nuôi được con chúng ta suốt đời.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Henry Nguyễn