"Hôm nay tự nhiên làm biếng ra ngoài ăn quá, để đặt đồ ăn về ăn"- đây là câu trả lời của đồng nghiệp khi tôi rủ đi ăn trưa. Hai mươi lăm phút sau, tài xế xe ôm công nghệ giao đồ ăn đến.
Thì ra quán ăn mà đồng nghiệp tôi đặt chỉ cách công ty có 600m. Ngày thường chúng tôi vẫn đi ăn ở quán này, từ ngày phát hiện ra chức năng giao đồ ăn tận nơi, cộng thêm rất nhiều ưu đãi và phiếu giảm giá, bạn tôi ngồi lỳ một chỗ ở văn phòng, ở nhà gọi đồ ăn. Có một bật mí nho nhỏ là bạn ấy đã tăng 10kg.
Tôi cũng biết rất nhiều người ngồi lỳ một chỗ, quẹt smartphone đặt đồ ăn và ngồi chờ tài xế giao tới. Ở khía cạnh khác, xung quanh tôi cũng có nhiều người bị "nghiện" đi xe ôm công nghệ.
Một báo cáo cho hay 30% người Việt trưởng thành thiếu vận động, đồng thời nước ta nằm trong top 10 nước có người dân lười vận động nhất thế giới. Nói một cách khác, người Việt rất hiếm khi tập thể dục và bắt bản thân chịu khó hoạt động.
Nếu như thời gian đầu, các ứng dụng xe ôm công nghệ chỉ thuần túy gọi xe ôm thì nay có thêm các chức năng: giao hàng, giao đồ ăn nhanh...
Không thể phủ nhận sự tiện lợi của xe ôm công nghệ và các dịch vụ đi kèm mà nó mang lại. Trước đây muốn bắt một cuốc xe ôm với giá cả hợp lý, phải chăng là một điều khó khăn và phải tốn nhiều thời gian. Kể từ ngày xe ôm công nghệ ra đời, mọi việc trở nên dễ dàng hơn. Ngồi một chỗ là đặt được xe, ngồi một chỗ là có người đem đồ ăn đến bất kể trời nắng hay mưa.
Tuy nhiên, việc dễ dàng, tiện lợi thường đi kèm điều tiêu cực. Theo tôi ở đây đó là sự lạm dụng. Đồng nghiệp của tôi là một ví dụ, nếu trước đây cô ấy chịu khó đi bộ, chịu khó ra ngoài ăn sau một buổi ngồi lỳ ở văn phòng, nay thì ngược lại.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Trần Xuân Ngọc