Trong những ngày nóng bức trong đợt nóng bất thường vừa qua, tôi nằm trong phòng ngủ của mình, nhớ đến cha mẹ ở quê họ đang phải ngủ trong căn phòng nóng bức của ngày hè mà không có điều hoà, thực sự khiến lòng tôi như thắt lại. Tôi chợt nghĩ giá như bản thân mình có đủ tài năng để có thể làm một điều gì đó để giúp mọi người, mọi gia đình ở Việt Nam đều có thể có một cuộc sống chất lượng hơn, một cuộc sống đáng sống hơn thì tốt biết mấy. Nhưng có lẽ mình quá bé nhỏ để làm được điều này.
Trong đợt năng nóng kỷ lục trên toàn cầu năm nay, Hàn Quốc có lẽ là quốc gia được nhiều người dân trên thế giới biết đến nhất vì chính phủ của họ đã giảm giá điện để người dân đối phó nắng nóng. Một hành động tuy nhỏ nhưng thể hiện được sự quan tâm của chính phủ đối với người dân, cũng như năng lực tài chính của quốc gia trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội.
Tôi chưa từng đến Hàn Quốc, tuy nhiên tôi rất hâm mộ họ trong việc xây dựng đất nước họ từ một đất nước rất nghèo ở thập niên 50 thế kỷ trước để trở thành một quốc gia thuộc top 20 nền kinh tế mạnh trên thế giới. Họ có rất nhiều thương hiệu toàn cầu từ công nghiệp nặng, sản xuất ôtô, điện tử đến thời trang, điện ảnh và âm nhạc... Quả thực Hàn Quốc xứng đáng là tấm gương để Việt Nam chúng ta học tập.
Có lần tôi đọc một cuốn sách về hành trình của CJ, hành trình từ một công ty thực phẩm đến một tập đoàn toàn cầu đa nghành nghề, tôi nhận ra người Hàn ngoài tinh thần yêu nước, yêu lao động họ còn rất tham học hỏi đặc biệt từ Nhật Bản và các nước phương Tây. Họ áp dụng nhuần nhuyễn triết học và các học thuyết kinh tế phương Tây vào trong kinh tế, giáo dục và xã hội. Học thuyết Fordism và nguyên lý quản trị khoa học của Taylor được nhắc đến nhiều lần khi tác giả kể về hành trình thành công của CJ và các tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
Fordism là một triết lý kinh tế được áp dụng thành công nhiều nơi trên thế giới (và bị biến thể tại các quốc gia) được sáng tạo bởi Henry Ford (người sáng lập tập đoàn xe Ford). Fordism đề cập đến việc tiêu chuẩn và tự động hoá quy trình sản xuất hạn chế lao động thủ công, nhờ đó nâng cao năng xuất người lao động, và người lao động sẽ được trả lương cao hơn, và nhờ đó họ có thể mua được những hàng hoá mà họ sản xuất ra. Đó là nền tảng của sự thịnh vượng của một quốc gia. Trước khi Fordism ra đời nguyên lý quản trị khoa học Taylor ra đời ở châu Âu làm nền tảng cho ngành công nghiệp sản xuất hàng loạt nhờ phân tích các quy trình sản xuất để nâng cao năng xuất lao động.
Các học thuyết kinh tế có tuổi đời hơn một trăm tuổi vẫn được các quốc gia phát triển điều chỉnh và sử dụng vào nền kinh tế của họ và tạo ra sự thịnh vượng.
Trong khi đó nền kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các ngành lao động thủ công như may mặc, lắp ráp và nông nghiệp lạc hậu. Chỉ với kinh tế tự động, kinh tế sáng tạo thì chúng ta mới trở nên giàu mạnh. Thu nhập của người lao động mới được nâng cao, giá trị lao động của người Việt được thế giới đánh giá cao.
Đừng để Việt Nam được biết đến với nhân công giá rẻ để rồi hàng triệu người lao động phải sống chật vật trong những căn phòng trọ tồi tàn sau 8-12 tiếng lao động trong những khu nhà xưởng nóng bức, người nông dân lam lũ trên ruộng vườn mà không thể có một cuộc sống an yên thoải mái.
Là một người dân, tôi mong nghị trường quốc hội là nơi những đại biểu nhân dân họp bàn nhiều hơn về giải pháp kinh tế nhằm nâng cao đời sống người dân hơn là về những cô ca sĩ người mẫu ăn mặc hở hang.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Henry Nguyễn