Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm nay xác nhận nước này đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa sáng 5/1, đồng thời cho hay tên lửa mang theo "đầu đạn lướt siêu vượt âm có thể đánh trúng mục tiêu cách xa 700 km".
Triều Tiên không tiến hành vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) nào kể từ năm 2017, nhưng nước này trong năm qua đã phát triển và phóng hàng loạt tên lửa đạn đạo tầm ngắn với công nghệ ngày càng hiện đại hơn, đủ sức tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc, thậm chí căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản.
Tuy nhiên, bước ngoặt xảy ra vào tháng 9/2021, khi Triều Tiên xác nhận lần đầu tiên phóng thành công tên lửa mang đầu đạn lướt siêu vượt âm, được coi là thử nghiệm mang "ý nghĩa chiến lược to lớn".
Vụ phóng đầu đạn siêu vượt âm lần thứ hai hôm qua được giới phân tích quân sự nhận định là một phần trong nỗ lực liên tục của Bình Nhưỡng nhằm phát triển một loại vũ khí tốc độ cao, có khả năng cơ động khi lao đến mục tiêu để xuyên thủng lá chắn tên lửa của Mỹ và đồng minh.
"Triều Tiên đã xác định đầu đạn lướt siêu vượt âm là biện pháp hiệu quả để đối phó với các hệ thống phòng không đối phương", Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Đầu đạn lướt siêu vượt âm thường được phóng bằng tên lửa đạn đạo để đạt tốc độ và độ cao tối ưu, sau đó tách rời và lướt về phía mục tiêu với vận tốc trên 6.200 km/h. Phần lớn hành trình của chúng ở trong khí quyển và đầu đạn có khả năng cơ động cao, khác với quỹ đạo bay ổn định ngoài khí quyển của đầu đạn tên lửa đạn đạo thông thường.
Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến đầu đạn siêu vượt âm trở thành mục tiêu rất khó phát hiện và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại, kể cả các hệ thống phòng không tối tân của Mỹ.
Mỹ hồi tháng trước hoàn thành dự án xây dựng radar cảnh giới lãnh thổ trị giá 1,5 tỷ USD tại bang Alaska, tuyên bố hệ thống này có thể phát hiện từ xa các tên lửa đạn đạo và vũ khí siêu vượt âm phóng từ những nước như Triều Tiên.
Hình ảnh vụ thử ngày 5/1 được KCNA công bố cho thấy tên lửa đạn đạo dùng nhiên liệu lỏng mang đầu đạn hình nón, khác với đầu đạn dạng bẹt được sử dụng trong vụ thử tháng 9/2021. Loại đầu đạn mới từng được các chuyên gia quân sự phát hiện trong triển lãm quốc phòng của Triều Tiên hồi tháng 10 năm ngoái.
"Nhiều khả năng họ đang tiến hành hai chương trình phát triển vũ khí siêu vượt âm độc lập. Một trong số đó là tên lửa Hwasong-8 được thử hồi tháng 9. Tên lửa lần này có nhiều điểm khác biệt so với mẫu Hwasong-8", Panda nói thêm.
Đầu đạn dạng bẹt được ứng dụng trên tổ hợp Avangard của Nga và DF-17 Trung Quốc, trong khi hải quân và lục quân Mỹ đang tập trung phát triển đầu đạn siêu vượt âm hình nón để đẩy nhanh tốc độ đưa vào biên chế, trước khi tập trung theo đuổi đầu đạn dạng bẹt vốn khó thiết kế hơn.
Một số chuyên gia cho rằng vũ khí Triều Tiên phóng thử hôm 5/1 chỉ là đầu đạn hồi quyển cỡ lớn có khả năng cơ động (MaRV). Loại đầu đạn này có tính năng tương tự phương tiện lướt siêu vượt âm, nhưng khả năng cơ động kém hơn và chủ yếu vẫn bay theo quỹ đạo cố định trong giai đoạn giữa hành trình. Chúng có thể đột ngột tăng độ cao khi lao tới mục tiêu và tạo ra đường bay trồi sụt, giúp tăng tầm bắn, điều chỉnh hướng bay và gây khó khăn cho lá chắn tên lửa đối phương.
Tính năng thực sự của loại tên lửa mới chưa được xác định, nhưng phương tiện lướt siêu vượt âm được coi là phương án phù hợp với yêu cầu chiến lược của Bình Nhưỡng. Chúng hoàn toàn có khả năng đánh bại các hệ thống phòng thủ được triển khai ở Hàn Quốc nói riêng và toàn bộ khu vực Đông Á nói chung, cho phép Triều Tiên tùy ý tấn công các mục tiêu có giá trị cao khi nổ ra xung đột.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Tyler Rogoway cho rằng Triều Tiên sẽ phải vượt qua nhiều thách thức lớn về công nghệ để sở hữu một vũ khí siêu vượt âm đúng nghĩa, loại khí tài mà ngay cả Mỹ cũng chưa thể hoàn thiện. Trong bối cảnh đó, Bình Nhưỡng có thể phát triển MaRV, nhưng loại vũ khí này sẽ có khả năng sống sót thấp hơn trước lá chắn tên lửa đối phương.
"Đề ra ý tưởng sở hữu vũ khí siêu vượt âm là một chuyện, vượt qua được các thách thức công nghệ và chi phí để làm được điều đó là chuyện khác hoàn toàn", Rogoway nhận xét.
Vũ Anh (Theo Drive)