Triều Tiên sáng 5/1 phóng vật thể nghi là tên lửa đạn đạo với tầm bắn 500 km ra vùng biển phía đông, đánh dấu vụ phóng tên lửa đầu tiên của Bình Nhưỡng trong năm 2022. Hoạt động cũng diễn ra sau khi lãnh đạo Kim Jong-un kêu gọi tăng cường hơn nữa năng lực quân sự trong hội nghị của đảng Lao động Triều Tiên hồi tuần trước.
Một số chuyên gia nhận định thông qua các vụ thử vũ khí, Triều Tiên đang gây thêm áp lực để các đối thủ chấp nhận họ là một cường quốc hạt nhân, đồng thời giảm nhẹ các lệnh trừng phạt. Điều này từng được thể hiện qua hàng loạt vũ thử vũ khí tiên tiến được Bình Nhưỡng tiến hành hồi năm ngoái.
Sau thời gian dài im ắng trong những tháng đầu năm 2021, Triều Tiên bất ngờ thông báo phóng thử một loại tên lửa hành trình tầm xa mới ngày 13/9/2021, gọi đây là "vũ khí chiến lược có ý nghĩa quan trọng". Quả đạn di chuyển trong 7.580 giây theo quỹ đạo bay hình bầu dục và hình số 8 trên lãnh thổ và lãnh hải Triều Tiên, sau đó bắn trúng mục tiêu cách 1.500 km.
Ảnh chụp trên không cho thấy quả đạn có đầu tròn, hình trụ dài với hai cánh nâng chính và ba cánh lái ở đuôi, tương đồng với nhiều mẫu tên lửa hành trình tầm xa trên thế giới.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) thường nhanh chóng công bố thông tin về các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Tuy nhiên, cơ quan này lại rất kín tiếng trong vụ phóng tên lửa hành trình của Triều Tiên, dẫn tới đồn đoán cho rằng Seoul và Washington không phát hiện được vụ thử, ít nhất là theo thời gian thực.
"Tên lửa hành trình tầm xa mang được đầu đạn hạt nhân sẽ gây ra nhiều khó khăn, buộc đối phương suy nghĩ rất kỹ về vị trí triển khai radar phòng thủ và đầu tư nhiều hơn vào năng lực đối phó tên lửa hành trình. Loại tên lửa này là một phần trong chiến lược 'xuyên thủng lá chắn tên lửa' được Triều Tiên theo đuổi những năm gần đây", Ankit Panda, chuyên gia từ Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại Mỹ, nhận định.
Chỉ hai ngày sau đó, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm "hệ thống tên lửa trên tàu hỏa mới". Đợt phóng được trung đoàn tên lửa đường sắt mới thành lập tiến hành. Triều Tiên có kế hoạch tăng quy mô trung đoàn này lên thành lữ đoàn trong tương lai gần, cũng như liên tục huấn luyện để thu thập kinh nghiệm cho xung đột thực sự.
"Tên lửa đặt trên tàu hỏa là lựa chọn tương đối rẻ và đáng tin cậy cho những quốc gia muốn tăng cường khả năng sống sót cho lực lượng hạt nhân. Liên Xô từng làm vậy, Mỹ cũng đã xem xét phương án đó. Đây là điều dễ hiểu với Triều Tiên", Adam Mount, chuyên gia tại Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, nhận xét.
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết tên lửa đạn đạo Triều Tiên phóng từ tàu hỏa bay được khoảng 800 km với độ cao tối đa 60 km. Quả đạn dường như là phiên bản của tên lửa đạn đạo chiến thuật KN-23, có vẻ ngoài giống tên lửa Iskander-M Nga, nhưng có tầm bắn gần gấp đôi các đợt thử tên lửa KN-23 trước đó.
Giới chuyên gia nhận định lực lượng tên lửa đường sắt sẽ giúp Triều Tiên có thêm phương án nhanh chóng phân tán lực lượng, đặt ra nhiều thử thách cho quá trình phát hiện và giám sát của đối phương.
Mạng lưới đường hầm trên khắp Triều Tiên cũng sẽ trở thành lô cốt kiên cố để che giấu bệ phóng, hạn chế nỗ lực theo dõi và tấn công chúng. Các đoàn tàu có thể khai hỏa tên lửa và nhanh chóng rút vào vị trí cũ hoặc cơ động đến đường hầm mới, khiến chúng rất khó bị đánh trả.
Đến ngày 28/9/2021, Học viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên phóng thành công tên lửa Hwasong-8 mang đầu đạn siêu vượt âm. KCNA ca ngợi vụ thử mang "ý nghĩa chiến lược to lớn" trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang tìm cách tăng cường năng lực quốc phòng lên "hàng nghìn lần".
Trong bức ảnh được truyền thông Triều Tiên công bố, đầu đạn siêu vượt âm có mặt dưới phẳng và vát lên trên, trong khi mặt trên có dáng cong tròn, tương đồng với những nguyên mẫu đầu đạn lướt siêu vượt âm đang được một số cường quốc thử nghiệm. Phương tiện này được trang bị hai cánh lái ở hai bên sườn, cùng cánh đuôi đứng ở mặt trên và mặt dưới quả đạn.
Giới chuyên gia đánh giá kết cấu động cơ của Hwasong-8 giống với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Hwasong-14 được Triều Tiên phóng thử năm 2017, trong đó quả đạn được trang bị một động cơ chính và 4 động cơ nhỏ để điều chỉnh đường bay.
Các mẫu đầu đạn lướt siêu vượt âm thường được phóng bằng ICBM để đạt tốc độ và độ cao tối ưu, sau đó đầu đạn sẽ tách rời và lướt về phía mục tiêu với tốc độ trên 6.200 km/h. Phần lớn hành trình của chúng ở trong khí quyển và đầu đạn có khả năng cơ động cao, khác với quỹ đạo bay ổn định ngoài khí quyển của đầu đạn ICBM thông thường.
Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến đầu đạn siêu vượt âm trở thành mục tiêu rất khó phát hiện và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng không hiện đại.
Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) thế hệ mới ngày 19/10/2021, quả đạn bay được 430-450 km và đạt độ cao tối đa 60 km. Mẫu SLBM mới nhỏ hơn so với dòng Pukguksong từng được Triều Tiên quảng bá trước đó.
"Học viện Khoa học Quốc phòng tuyên bố loại SLBM mới ứng dụng nhiều công nghệ dẫn đường tiên tiến, bao gồm khả năng cơ động mặt phẳng ngang và nhảy cóc trong giai đoạn lượn", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết.
Giới chuyên gia cho rằng "nhảy cóc" là cách Bình Nhưỡng mô tả động tác cơ động cho phép đầu đạn đột ngột tăng độ cao khi lao tới mục tiêu và tạo ra đường bay trồi sụt, giúp tăng tầm bắn, thay đổi hướng bay và gây khó khăn cho lá chắn tên lửa đối phương.
Truyền thông Triều Tiên không sử dụng từ "chiến lược" để mô tả loại SLBM mới, trái ngược với dòng Pukguksong, cho thấy mẫu tên lửa này có thể chỉ sử dụng đầu đạn thông thường với tùy chọn mang vũ khí hạt nhân.
Tên lửa có thể biến tàu ngầm Triều Tiên thành các "sát thủ thầm lặng" đầy uy lực trong lòng biển, khi hàng loạt tàu ngầm trang bị SLBM tầm ngắn có thể tung đòn đánh từ nhiều hướng để gây khó khăn cho lưới phòng thủ đối phương, nhằm vào các mục tiêu chiến thuật có giá trị cao và trong hầm ngầm kiên cố.
Các vụ thử tên lửa Triều Tiên tiến hành trong năm qua đều là những khí tài tầm ngắn, không phải những tên lửa xuyên lục địa có thể đe dọa lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng chúng là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang nỗ lực phát triển những phương thức ngày càng hiện đại, phức tạp hơn để cải thiện năng lực tên lửa, có thể đe dọa các căn cứ của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
"Thực sự đáng tiếc khi Triều Tiên liên tiếp phóng thử tên lửa từ năm ngoái", Thủ tướng Nhật Fumio Kishida hôm nay phát biểu. "Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo mạnh nhất từ trước tới nay".
Vũ Anh (Theo AFP, KCNA)