Đối lập với không khí nhộn nhịp ở phố đi bộ quanh Hồ Gươm,không gian đi bộ ở phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ, lại không nhận được sự ưu ái của người dân Hà Nội. Nhiều người ở đó không còn nhớ lần cuối cùng con phố này mở cửa đón khách là khi nào. Dọc tuyến phố hiện nay chủ yếu là quán bia, khách ngồi tràn ra vỉa hè, còn lòng đường thì ôtô nối đuôi nhau xếp thành hàng. Xung quanh, nhiều biển báo liên quan tới phố đi bộ mục nát, rách rưới, xếp chồng lên nhau.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến thực trạng phố đi bộ "nơi sầm uất, chỗ đìu hiu", độc giả That's life cho rằng: "Phố đi bộ ở Hồ Gươm đông không phải vì mở phố đi bộ mà vì đó là khu vực trung tâm, lúc nào cũng đông đúc từ trước tới nay. Vì là trung tâm, nên Hồ Gươm cũng là nơi thu hút mọi dịch vụ và là tâm điểm trong suy nghĩ của mỗi người về Hà Nội. Bây giờ cuối tuần trẻ con hay nói: "Cho con đi phố đi bộ" tức mặc định phải hiểu là phố đi bộ Hồ Gươm, còn mấy phố kia, tôi là người lớn mà còn chẳng bao giờ nghĩ đến.
Đây là kinh nghiệm cho các khu phố khác nếu có muốn mở phố đi bộ. Đừng thấy hàng xóm làm ăn thành công là đua theo mở. Chúng ta phải biết vì sao người ta đông khách, cần những yếu tố gì, bản thân mình có đủ những yếu tố đó hoặc vượt trội hơn không? Mặc dù bây giờ Hà Nội có rất nhiều các khu mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí trải đều tại các quận, nhưng thực tế, người dân vẫn có xu hướng ưu tiên những khu trung tâm như Hồ Gươm nhất. Đó là một thách thức không nhỏ cho các khu vực khác".
>> Phố đi bộ không chỉ để... đi bộ
Hà Nội cũng sắp có thêm phố đi bộ thứ năm, nằm ở khu vực quanh hồ Ngọc Khánh, theo đề án của UBND quận Ba Đình. Trước đó, thành phố có không gian đi bộ Hồ Gươm; khu phố cổ (Hàng Đào - Đồng Xuân, khu bảo tồn cấp một phố cổ Hà Nội, khu vực mở rộng phía Nam khu phố cổ Hà Nội); không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn và tuyến phố đi bộ xung quanh hào thành cổ Sơn Tây (khai trương dịp 30/4-1/5).
Bạn đọc Hoan Nguyen nhấn mạnh yếu tố quyết định dẫn đến thành công của một tuyến phố đi bộ mới: "Nếu không có một đặc trưng gì thì sẽ chẳng ai quan tâm tới các phố đi bộ khác ngoài Hồ Gươm. Tôi nghĩ mỗi phố đi bộ nên có một đặc trưng riêng, từ đó mới tạo ra thế mạnh không đâu khác để thu hút khách.
Ví dụ, phố Trịnh Công Sơn nên là nơi tập trung của văn hoá, giới văn nghệ sĩ. Như vậy quy hoạch hàng quán, trang trí nên tập trung vào giới văn nghệ sĩ. Phố đi bộ Ngọc Khánh sắp khánh thành gần khu Kim Mã - Thủ Lệ vốn tập trung nhiều quán hàng Nhật, vậy hãy lấy chủ đề là phố đi bộ kiểu Nhật, tập trung các quán hàng theo phong cách Nhật Bản, như cosplay, cà phê kiểu Nhật... Có như thế mới tạo được sự khác biệt và thu hút được khách hàng. Nếu không, phố đi bộ mãi chỉ là vỉa hè mở rộng cho dân cư ở đó tập thể dục mà thôi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.