Hồ Con Rùa là địa danh nổi tiếng và rất đỗi quen thuộc đối với người dân Sài Gòn. Phải nói rằng, cả một thời sinh viên, tôi đã gắn bó với nơi này. Kể cả sau này, khi phải rời xa, sống và làm việc ở một tỉnh khác, mỗi khi có dịp là tôi vẫn quay trở lại nơi đây. Với tôi, khu vực Hồ Con Rùa đã trở thành "phố đi bộ" từ rất lâu rồi.
Tôi có thói quen gửi xe đâu đó, ghé ngang qua ngôi trường cũ (Đại học Kiến trúc), dạo bộ dưới những tàng cây của đường Pasteur hay "con đường Duy Tân cây dài bóng mát" (nay là Phạm Ngọc Thạch) để đến khu vực hồ Con Rùa. Tôi thích ngồi trên gác của quán cà phê gần đó để nhâm nhi, nghe nhạc và ngắm nhìn thành phố lúc lên đèn. Hồ Con Rùa thấp thoáng ở dưới kia, xa xa là Nhà văn hóa Thanh Niên, nhà thờ Đức Bà với tường gạch đỏ au, mái ngói rêu phong cổ kính và hai tháp chuông cao vút. Đã bao năm qua, tôi yêu Sài Gòn với những điều bình dị như thế.
Có lần tôi ngồi nói chuyện với một anh bạn người Bắc, anh hỏi tôi vì sao người ta lại gọi là Hồ Con Rùa mà không phải là tên gì khác, hay tại sao Hồ Con Rùa mà lại không có rùa? Câu hỏi khiến tôi bối rối, đó cũng chính là câu hỏi mà rất nhiều người thắc mắc, trong đó có tôi khi mới "chân ướt chân ráo" đặt chân lên thành phố sôi động này.
Thật ra, Hồ Con Rùa từng có "rùa" và đó là hình tượng rùa đội bia mà ta hay thấy trong văn hóa Việt Nam, con rùa xưa được làm bằng kim loại, bên trên là tấm bia lớn bằng đá khắc tên một số nước và phần trên cùng của bia là họa tiết bình rượu rất đẹp. Trải qua thời gian "vật đổi sao dời", con rùa ngày xưa nay đã không còn và để lại câu hỏi lớn cho du khách mỗi khi đến tham quan nơi này.
Vừa qua, khi nghe tin có đề án chỉnh trang khu vực Hồ Con Rùa thành phố đi bộ, tôi cho rằng nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề phân luồng giao thông, điểm gửi xe, vấn đề an ninh trật tự, môi trường, cảnh quan... thì đó là việc nên làm để tạo thêm điểm vui chơi giải trí và rèn luyện sức khỏe cho người dân thành phố. Nhưng cho dù Hồ Con Rùa có trở thành phố đi bộ hay không, thiết nghĩ, chúng ta cũng nên phục dựng lại hình tượng con rùa để làm biểu tượng cho nơi này, đồng thời giải quyết câu hỏi "muôn thuở": tại sao Hồ Con Rùa mà không có rùa?
Một chú rùa bằng đồng hay đá được điêu khắc tinh xảo, được đặt ở ngay vị trí cũ trước đây trên mặt hồ, về kích thước có thể bằng con rùa xưa hay cũng có thể nhỏ hơn tùy thuộc vào sự hài hòa cảnh quan và kinh phí đầu tư, là việc nên làm. Hình ảnh chú rùa phơi nắng trên mặt hồ sẽ trở thành hình tượng đẹp, ý nghĩa cho du khách và điều cuối cùng là trẻ em khi chúng sẽ không còn thất vọng vì đến Hồ Con Rùa mà lại không được gặp rùa nữa.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.